Vấn đề là ở chỗ sức ép chênh lệch tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ dù đã làm giảm lượng nhập khẩu nhưng thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa trong nước vẫn tăng cao (đặc biệt các sản phẩm điện tử cao cấp và nhập khẩu nguyên chiếc) cộng với việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhà máy ở Việt Nam phục hồi sản xuất sau khủng hoảng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu này thêm một bước cao hơn.
So với con số dự tính cũng của Bộ Công Thương hồi đầu năm ngoái là 4 tỉ đô la thì giá trị nhập khẩu hơn 5,1 tỉ đô la là con số đáng kể, góp phần tăng nhập siêu. Điều đáng nói nữa, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc mặt hàng này nhưng mức tăng 60% trong vòng 12 tháng (tháng 12-2009 đến tháng 12-2010) cho thấy sức ép của hàng Trung Quốc đã “đánh bật” các quốc gia như Singapore, vốn được coi là trạm trung chuyển hàng điện tử đầu thế giới. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng rơi lại vị trí thứ hai và thứ ba, sau Trung Quốc.
Theo một số nhà nhập khẩu, ngoài lý do thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ổn định hơn khiến hàng Trung Quốc cạnh tranh hơn, sự thuận lợi về vận chuyển, đa dạng về mặt hàng cộng với giá thấp khiến các doanh nghiệp trong nước và các nhà xuất khẩu chọn hàng Trung Quốc.
Với việc mở cửa thị trường bán lẻ từ năm 2009, cộng với lộ trình giảm thuế theo Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc, kim ngạch và giá trị hàng điện tử và linh kiện nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2011 dự kiến sẽ tăng ít nhất 5% đến 10%, đặc biệt là hàng máy tính xách tay, máy tính để bàn và tivi nguyên chiếc do giá cả các mặt hàng ngoại nhập và trong nước lắp ráp, sản xuất không chênh lệch nhiều.
(Theo baocongthuong.com.vn)