Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay tính đến hết 31/3, lượng thép tồn kho toàn ngành là 288.000 tấn, phôi thép là 510.000 tấn. Con số này, theo đánh giá của Hiệp hội là khả quan vì lượng tồn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 200.000 tấn.
Hiệp hội Thép cho biết, lượng tiêu thụ tháng 4 ước dao động trong khoảng 420.000- 450.000 tấn. Theo ông Nghi, bước sang đầu tháng 5, giá thép có thể tăng do giá phôi, thép phế lên giá. Thêm vào đó, thông điệp nới tín dụng bất động sản, hạ sãi suất huy động đã tác động vào tâm lý nhà đầu tư và xét về dài hạn, thị trường bất động sản có thể ấm dần. "Do đó, giá thép sắp tới có thể tăng từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi tấn", ông Nghi nói.Trong tháng 3, lượng thép tiêu thụ lên tới 521.000 tấn, tăng gần gấp 1,5 lần so với tháng 2. Ông Nghi cho biết, tình hình tiêu thụ thép tháng 3 khả quan hơn nhiều so với 2 tháng đầu năm vì bước vào mùa xây dựng, nhu cầu thép tăng lên. Ngoài ra, hai tháng đầu năm, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất ngân hàng cao nên nhiều doanh nghiệp địa ốc đã không xây dựng dự án.
Giá bán thép trong những tháng qua không có biến động nhiều, dao động ở mức 16 triệu đến 17 triệu đồng mỗi tấn tùy đơn vị. Lãnh đạo Hiệp hội Thép cho hay, một số công ty thép đã giảm chiết khấu trên thị trường. "Trước đây, doanh nghiệp chiết khấu 100.000 đồng đến 300.000 đồng thì nay đã giảm xuống thấp hơn hoặc không còn chiết khấu nữa", ông Nghi nói.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường thép trong nước 3 tháng đầu năm vẫn chịu tác động từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngành thép đã có sự tăng trưởng nhẹ sau nhiều tháng liên tiếp giảm. Lượng thép sản xuất các loại trong quý I ước đạt khoảng 1,469 triệu tấn, tăng 4,8 % so với cùng kỳ. Nhập khẩu thép các loại và sản phẩm từ thép cũng tăng tương ứng là 7,7% và 24,8%.
Theo Hiendaihoa