3CElectricTin tứcTin tức liên quanNgười thợ Cơ khí đam mê sáng tạo

Hàng chục năm trước, ở làng Đông Dinh, ai cũng biết đến ông Sáu Bảo – một thợ cơ khí lành nghề có nhiều sản phẩm phục vụ nông dân. Trong số những người con của ông Sáu Bảo, chỉ có ông Nguyễn Thành nối nghiệp cha. “Từ lúc 7 tuổi, tôi đã theo cha làm những việc đơn giản của nghề cơ khí. Niềm đam mê nghề này đã giúp tôi học rất nhanh…” – ông Thành tâm sự.


Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đang học lớp 11, ông Thành phải bỏ dở để theo nghề cha. Lúc này, ông đã làm một cách thành thục các công đoạn thực hành về hàn, tiện, bào, giũa… Ông bắt đầu tự chế các sản phẩm mới trên cơ sở cải tiến những máy móc, thiết bị hiện có như: máy sàng thức ăn gia súc (năm 2005) có thể phân loại kích cỡ thức ăn theo ý muốn; ứng dụng vít tải thay cho gàu xúc hay băng chuyền, có thể đưa vật nặng lên cao 5m; chế tạo máy xắt mì lát; máy ép bánh hỏi… Gần đây nhất, ông đã chế tạo thành công máy sấy chân không.

May say chan khong
Lắp đặt máy sấy ứng dụng công nghệ chân không tại tỉnh Đắk Lắk.

Xem tivi, ông thấy cảnh người dân Huế cũng như đồng bào miền Trung chạy lụt, lúa ngập trong nước, nảy mầm nhưng lại thiếu lương thực do không có máy sấy vào thời điểm khắc nghiệt này. Vì vậy, ông Thành nuôi ý tưởng chế tạo máy sấy chân không để rút ngắn thời gian sấy nông sản. Ông cho biết, khi còn làm việc tại Nhà máy Đường Khánh Hòa, qua theo dõi hoạt động kết tinh đường, ông nhận thấy, nếu dùng công nghệ chân không có thể rút ngắn quá trình kết tinh đường từ 7 đến 8 lần so với công nghệ không dùng chân không, đường có chất lượng cao, không bị khê, khét. Từ kinh nghiệm đó, ông nghiên cứu, chế tạo máy sấy chân không.

Ông Diệp Thế Mỹ – khuyến nông viên xã Diên Toàn nhận xét: Là người đam mê nghề cơ khí và có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực này, ông Thành đã sáng tạo và sản xuất thành công máy sấy ứng dụng công nghệ chân không. Sản phẩm chạy thử nghiệm tốt và được khách hàng quan tâm.

Máy sấy chân không của ông Thành bao gồm các bộ phận chính như: trống nung nguyên liệu bằng sắt cấu tạo hình trụ tròn, bên trong có lắp đặt hệ thống khuấy đảo, bên ngoài có vít cấp nguyên liệu (đầu vào) và vít lấy thành phẩm (đầu ra). Môi trường ngoài và trong kín, cách ly tốt nên không khí không thể đi vào. Sau khi sấy, sản phẩm được giải nhiệt bằng quạt, không hút hơi nước trở lại. “Do ứng dụng công nghệ sấy chân không, mọi điểm trong trống nung đều có nhiệt độ như nhau nên sản phẩm đạt độ đồng đều cao, tiết kiệm được nhiệt lượng và thời gian sấy”, ông Thành cho biết.
Máy sấy sử dụng mô tơ điện 3 mã lực, cũng có thể dùng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: than đá, củi, trấu, vỏ nông sản, thậm chí cả rác thải hữu cơ… để đốt; công suất sấy đạt 5 tấn/mẻ, thời gian 1 giờ, rút ngắn 8 giờ so với các loại máy dùng công nghệ cũ. .

Đến nay, ông Thành đã xuất xưởng được 2 chiếc máy sấy chân không. Ông vừa lắp đặt một chiếc khác tại tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Thành, máy sấy chân không có thể sấy được tất cả các loại nông sản (lúa, bắp, mì, cà phê, hạt điều…), đạt độ đồng đều cao, tiết kiệm được thời gian, nhiên – nguyên liệu, lao động, đặc biệt máy phát huy tác dụng tốt khi thời tiết xấu.

( Theo Vinamain )