Việc Nokia mở nhà máy ở Bắc Ninh đang mở ra cánh cửa thuận lợi nhất để Việt Nam tiến vào thị trường Phần Lan
Việc Nokia mở nhà máy ở Bắc Ninh đang mở ra cánh cửa thuận lợi nhất để Việt Nam tiến vào thị trường Phần Lan
Theo thông tin mà các chuyên gia của VINASA thu thập được, ngành công nghiệp phần mềm của Phần Lan đã vượt qua khủng hoảng của năm 2009 tốt hơn bất cứ ngành công nghiệp CNTT nào với số lượng hợp đồng đã ký có giá trị tới 3,1 tỷ euro, với hơn 50% các doanh nghiệp phần mềm có thị trường trên toàn cầu.
Nhưng điều đáng chú ý đó là các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp ICT Phần Lan chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm đến 87,5% trên tổng số trên dưới 5.000 công ty thuộc quốc gia này) có quy mô chưa đến 10 nhân sự. Các công ty lớn với quy mô trên 250 nhân sự chỉ ở mức khoảng 0,3%.
Tương tự như vậy, các doanh nghiệp hoạt động phát triển ứng dụng di động (khoảng 3.000 công ty), phần lớn cũng là các doanh nghiệp cỡ nhỏ.
Nhận định về thị trường CNTT-TT của Phần Lan như trên, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Tổng thư ký VINASA, khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể tiếp cận với thị trường này. Cụ thể, các ứng dụng cho ĐTDĐ, smartphone là tiềm năng lớn nhất mà Việt Nam có thể khai thác với sự đầu tư của Nokia vào một nhà máy sản xuất ĐTDĐ tại Bắc Ninh trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó là cơ hội trong lĩnh vực gia công phần mềm, đồng thời có thể “tranh thủ” học hỏi những kiến thức từ nước bạn.
Tuy nhiên, bà Giang cũng lưu ý một số thách thức có thể gặp phải, đó là sự mạo hiểm về khả năng của các đối tác, sự khác biệt về cách quản lý dự án do khoảng cách giữa các doanh nghiệp, sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp, cũng như khoảng cách về địa lý và múi giờ…
Để tận dụng tốt nhất cơ hội này cũng như hạn chế những thách thức kể trên, đại diện từ VINASA cho biết, các công ty của Việt Nam cần phải có một chiến lược và kế hoạch hành động rõ ràng, cụ thể; đồng thời phải có sự chuẩn bị chu đáo về kiến thức và phải có sự hỗ trợ về chính sách giữa 2 chính phủ Việt Nam và Phần Lan thông qua hoạt động của các tổ chức như IPP, VINASA, FinPartnership, FindFund…
Cũng tại hội thảo này, một chương trình nghiên cứu về mô hình hợp tác giữa các doanh nghiệp CNTT Phần Lan và Việt Nam đã được giới thiệu là FORMIS. Đây là chương trình nhằm xây dựng hệ thống thông tin hiện đại về rừng từ trung ương đến các cấp địa phương, giúp đưa ra các quyết định chính xác nhất đối với các vấn đề về rừng. Chương trình này được coi như là một mẫu điển hình nhất về cơ hội mà các doanh nghiệp ICT Việt Nam hoàn toàn có thể vận dụng và phát triển tại thị trường bạn.
Theo PCWorld