3CElectricTin tứcTin tức liên quanĐể máy tính thương hiệu Việt thêm sức sống

Tại Hội thảo Phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, diễn ra tại Công viên Phần mềm Quang Trung (ngày 1 – 2/12/2011), đã có nhiều ý kiến trao đổi về năng lực sản xuất sản phẩm CNTT “made in Vietnam” của doanh nghiệp trong nước. Một số ý kiến cho rằng để phát triển công nghiệp phần cứng/phần mềm/nội dung số… cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách của Nhà nước; hình thành lộ trình phát triển sản phẩm CNTT từ nay đến năm 2020…

alt

Pi - máy tính bảng thương hiệu Việt (hình để minh hoạ).


Ông Nguyễn Phước Hải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết: Hiện tại, công nghiệp phần cứng tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp sản xuất máy tính với sản lượng máy tính để bàn đạt mức một triệu chiếc/năm.

Thị trường máy tính Việt Nam đang có chiều hướng phát triển tốt. Về tiềm năng phát triển của thị trường máy tính Việt Nam, có thể tăng gấp 3 - 4 lần trước thời điểm 2020. Nếu có sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước và sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn; Việt Nam sẽ có cơ hội “làm chủ” khâu sản xuất phần cứng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Bùi Sỹ Tĩnh, Giám đốc Tiếp thị của Công ty Máy tính CMS: Máy tính thương hiệu Việt hiện đang chiếm khoảng 15 – 20% thị phần. Trong khi đó, tại Trung Quốc các nhãn hiệu máy tính nội địa có thể đạt tới mức thị phần hơn 40%.

Hiện thời, các doanh nghiệp sản xuất máy tính trong nước vẫn chưa có một chiến lược phát triển đủ mạnh. Người tiêu dùng trong nước vẫn còn tâm lý “sính ngoại”; thích chọn mua máy tính ngoại nhập. Ngoài ra, máy tính thương hiệu Việt lại bị cạnh tranh quyết liệt bởi các nhãn hiệu máy tính ngoại nhập…

Theo ông Tĩnh, trước đây các loại máy tính lắp ráp trong nước, dạng “no name” (không định danh thương hiệu) chiếm đến 80% thị phần. Nhưng, mấy năm gần đây các thương hiệu máy tính Việt Nam đang khởi sắc và lấn chiếm thị phần của máy tính “no name”.

Theo kiến nghị từ VEIA, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn từ Nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất máy tính trong nước. Cụ thể là việc mua sắm sản phẩm máy tính lắp ráp trong nước đối với các cơ quan/đơn vị công quyền. Hiện thời, tuy Thông tư 42/2009/TT-BTTTT đã xác định rõ việc các cơ quan/đơn vị sự nghiệp Nhà nước… phải ưu tiên mua sắm sản phẩm CNTT sản xuất trong nước; nhưng thực tế… một số cơ quan Nhà nước vẫn chọn mua máy tính ngoại nhập.

Ông Hải nhấn mạnh, sắp tới Nhà nước cần tạo điều kiện hình thành một số doanh nghiệp sản xuất máy tính có quy mô lớn. Có thể giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam làm đầu mối tư vấn - phản biện về Chiến lược phát triển Công nghiệp Phần cứng.
Ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM (HCA) cũng cho biết, HCA đã làm bản đề xuất với Bộ TTTT danh sách 5 doanh nghiệp máy tính thương hiệu Việt đáp ứng các tiêu chí nêu trong Thông tư 42 về quy định mua sắm sản phẩm CNTT sản xuất trong nước. Đó là các doanh nghiệp: Công ty TNHH Sản phẩm Công nghệ FPT – Máy tính FPT; Công ty TNHH Máy tính CMS – Máy tính CMS; Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ ROBO – Máy tính ROBO; Công ty CP Điện tử Tân Bình – Máy tính VTB; Công ty CP Thương mại Công nghệ Khai Trí – Máy tính Wiscom.

Các doanh nghiệp này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về “máy tính thương hiệu Việt” theo quy định của Bộ TTTT. Đây cũng là các đơn vị đạt Giải thưởng Huy chương vàng và Cup Top 5 ICT Việt Nam 2011 do HCA tổ chức. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đáp ứng các tiêu chí về máy tính sản xuất trong nước – mang thương hiệu Việt theo nội dung Thông tư 42 của Bộ TTTT.

 

Theo PCWorld