3CElectricTin tứcTin tức liên quanMã độc dày đặc ở Việt Nam

Việt Nam có tỷ lệ mã độc dày đặc

Tại sự kiện lớn về ATTT - Security World 2012 diễn ra tuần qua, đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) nhận định, sử dụng mã độc để tấn công là một trong ba nguy cơ lớn nhất về ATTT hiện nay (bên cạnh nguy cơ về khai thác lỗ hổng và tấn công qua mạng xã hội).

Cũng tại sự kiện này, đại diện Cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chỉ ra những hành vi hết sức tinh khôn của các loại trojan xuất hiện gần đây. Ngoài các hình thức lây lan quen thuộc như qua USB, các virus lây file, ứng dụng chat Yahoo Messenger, qua email..., gần đây hacker còn sử dụng các thủ đoạn mới là nhúng mã độc vào phần mềm (như phần mềm gõ tiếng Việt Unikey) hay "giăng" trên mạng xã hội Facebook. Hacker cũng sử dụng hình thức thông báo giả mạo (thường giả mạo phần mềm diệt virus hay thông báo đầy dung lượng email) để đánh lừa người dùng.

Ngoài ra, hacker cũng có thể lợi dụng điểm yếu của hệ điều hành hay trình duyệt web để phát tán mã độc.

Không chỉ có vậy, đại diện Bộ Công an còn cho biết đã phát hiện được các loại mã độc sau khi thâm nhập vào máy tính người dùng thì có thể điều khiển được từ xa hệt như máy tính của chúng (từ theo dõi cách gõ bàn phím đến mã hóa dữ liệu khi gửi đi, bật webcam, nhận lệnh điều khiển từ xa...). Thậm chí, còn có loại mã độc có khả năng tự động bật máy tính.  

Trước đó, Microsoft cũng đã công bố tình hình mã độc trên toàn cầu quý 2/2011. Theo đó, Việt Nam nằm trong vùng có tỉ lệ máy chủ phát tán mã độc ở mức cao nhất, trên 11% (xem hình).


alt
Những vùng màu nâu sẫm là khu vực có tỉ lệ mã độc cao (11%). Việt Nam nằm trong khoanh tròn.



Rút nguồn máy tính - một trong những cách phòng mã độc

Theo các chuyên gia an ninh bảo mật, một trong những lý do khiến Việt Nam có tỷ lệ mã độc cao như vậy chính là do ý thức người dùng về ATTT còn rất yếu. Phần lớn các cách lây nhiễm mã độc đều có thể tránh được nếu người dùng có ý thức bảo vệ.

Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT khuyến cáo để phòng tránh mã độc, người dùng nên chú ý bật tường lửa trên máy tính.

Quá trình sử dụng nên chú ý chọn phần mềm có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất lấy từ trang chủ các phần mềm. Với các link liên kết thì tránh nhấn trực tiếp vào các link mà copy link đó đến thanh trình duyệt.

Người dùng cũng nên cân nhắc, sử dụng thêm các hình thức xác thực khác trước khi mở các file đính kèm để tránh mã độc có thể phát tán hay thâm nhập vào máy tính.

Ngoài ra, với tình hình virus, mã độc bùng nổ như hiện nay, mỗi máy tính không nên thiếu phần mềm diệt virus có khả năng tự động cập nhật và nên để ở chế độ bảo vệ tự động.

Ông Nguyễn Viết Thế, Cục Tin học Nghiệp vụ (Bộ Công An) bổ sung, để thực sự an toàn, tránh được các mã độc có khả năng tự động bật máy tính, tốt nhất, người dùng khi tắt máy tính nên rút luôn cả nguồn.

Theo PCWorld