Trên nền sắc “đỏ” phiên giao dịch chứng khóan ngày 14/2, bật lên những đốm “xanh” của nhóm cổ phiếu ngành điện: từ dự án nguồn (sản xuất) như VSH (Vĩnh Sơn), TBC (thác Bà), TMP (thác Mơ), PPC (Phả Lại)…đến công ty kinh doanh lưới phân phối như KHP (Khánh Hòa) đều không có dư bán.
Nguyên nhân là do, theo dư luận, giá bán điện có thể được Chính phủ chấp thuận tăng 18%. Mặc dù chưa ngang mức “đề nghị” của Tập đòan điện lực (EVN) hay Hiệp hội năng lượng là từ 30-48% nhưng cũng đã đem lại cho các nhà đầu tư kỳ vọng các nhà máy thủy điện sẽ bán được giá cao hơn và lợi nhuận từ kinh doanh điện sẽ được cải thiện.
Trong khi đó, thông tin mới nhất cho biết, hiện giữa EVN và các chủ đầu tư các nhà máy nguồn (thủy điện; khí điện; nhiệt điện) chưa có động thái nào thay đổi giá đàm phán mua điện từ các nhà sản xuất.
Công suất thủy điện đang chịu tác động nguồn nước phía thượng lưu (IE)
Giá bán điện tăng có thể đem lại cho EVN một khỏan thu thêm lên đến hàng trăm tỷ đồng/tháng. Nhưng hiện nay, EVN lại đang tồn tại rất nhiều nhu cầu vốn như: trả lãi vay cho các khỏan tín dụng xây dựng các nhà máy nhiệt điện; bù đắp khoản thua lỗ hơn 8.000 tỷ do bán điện dưới giá thành của năm trước cộng thêm các khỏan nợ khác lên đến 24.000 tỷ đồng; đầu tư cải tạo hoặc nâng cấp hệ thống phân phối và có thể tăng thêm vốn điều lệ vào các đơn vị kinh doanh khác như EVN Telecom hoặc đầu tư tài chính; bất động sản…
Mới đây, EVN đề nghị Chính phủ cần tháo gỡ để EVN có gần 13.000 tỉ đồng để huy động khoảng 3,8 tỉ kWh điện chạy dầu phục vụ sáu tháng mùa khô năm nay.
EVN cũng đang khẩn trương triển khai kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước và 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế để lấy vốn đầu tư cho các dự án điện; đồng thời tập trung thu xếp 65.875 tỷ đồng vốn đầu tư của cả năm 2011.
Vì thế, trong dự thảo đề nghị lên cấp có thẩm quyền, EVN đã nâng mức tăng giá lên tới 30% mới có thể thỏa mãn nhu cầu vốn đầu tư; kinh doanh trong giai đoạn tới. Có thể gần đây, dự kiến phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị lên tới 1 tỷ USD bất lợi về lãi suất cũng như điều kiện của các nhà đầu tư nên việc xin tăng giá được coi là giải pháp tối ưu, đem lại hiệu quả tức thì mà không phải trả lãi hoặc điều kiện kèm theo.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý gía (Bộ Tài chính) đã cam kết: “Chúng ta nhất quán thực hiện cơ chế giá thị trường nhưng không phải là tự do, tự phát mà phải có sự quản lý của Nhà nước. Trước hết: Kiểm soát giá độc quyền, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá… “
Nhưng cho đến nay, EVN chưa công khai cơ cấu giá thành điện như ngành xăng dầu đã làm hoặc chỉ lối cho người tiêu dùng là khách hàng trực tiếp của EVN cách tiếp cận được thông tin về các nguồn vốn đầu tư, hiệu quả các dự án và tình hình thất thóat điện năng cả về kỹ thuật lẫn công tác quản lý.
Các nhà máy thủy điện cũng chưa được đánh giá hiệu suất giữa công suất thực tế có thể huy động lên lưới và công suất thiết kế do bị ảnh hưởng biến động của nguồn nước thượng lưu, sai quy họach hoặc lựa chọn thiết bị không tối ưu …
T.S Đặng Đình Cung trong bài viết “Làm gì có giá thị trường điện” đã cho rằng: “Điện năng là một sản phẩm thiết yếu không co dãn theo giá bán (giá tăng không làm nhu cầu thiết yếu giảm đi). Ngoài ra điện năng lại khó tải đi xa sinh ra tình trạng độc quyền địa phương. Khi có độc quyền trên một sản phẩm không co dãn theo giá thì làm gì có thị trường để nói tới giá thị trường.”
“Xin đề nghị chính phủ lợi dụng khoảng thời gian từ bây giờ cho tới mùa lũ năm tới để nghiên cứu một bảng giá thích ứng với kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu không thì người dân sẽ không hiểu tại sao giá điện tăng mà vẫn bị cắt điện.”, TS. Cung đề nghị.
Trong bài viết trên, ông Cung đưa ra dẫn chứng: “Một mặt thấy EVN than phiền về giá điện quá thấp, mặt khác TKV nói rằng phải xuất khẩu alumin vì giá điện ở Việt Nam quá cao không cho phép biến chế tiếp alumin thành nhôm và sản phẩm bằng nhôm. Hai điều đó chứng tỏ lãnh đạo hai tập đoàn này không biết giá thành của điện sản xuất ở Việt Nam”.
Vậy, hà cớ gì mà các nhà đầu tư đã vội tin rằng giá bán điện của các nhà máy phát điện sẽ được nâng lên cùng với giá bán điện của EVN để “thổi bong bóng” nhóm cổ phiếu thủy điện ?
Coi chừng, họ sẽ “tẽn tò” vì tâm lý đám đông và đang bị che khuất do những thông tin công khai mục đích sử dụng nguồn thu tăng thêm này còn chưa được ngành điện minh bạch. Không có gì bảo đảm rằng một phần khoản tăng thêm trong giá điện mới sẽ được chia bớt cho các nhà đầu tư các dự án sản xuất điện.
Thông tin mới nhất: mặc dù đề nghị tăng giá của EVN đã được chấp thuận nhưng kế hoạch cắt điện mùa khô năm nay vẫn chưa được EVN đinh chính hay sửa đổi so với thông báo trước đây?
(Theo bee.net.vn)