3CElectricTin tứcTin tức liên quanGọi điện, nhắn tin miễn phí: Tiện lợi nhưng đề phòng rủi ro

 


Một quảng cáo OTT trên đài truyền hình

Gần như đi đâu, người dùng cũng có thể bắt gặp các mẩu quảng cáo của Zalo, Line, Kakao Talk... từ truy cập Internet cho đến đọc báo giấy, từ đi ngoài đường cho đến giờ vàng quảng cáo tại các kênh truyền hình quốc gia lẫn địa phương. Chưa bao giờ một ứng dụng nhỏ trên điện thoại di động thông minh (smartphone), máy tính bảng lại được các doanh nghiệp chi rất nhiều tiền để quảng cáo, tiếp thị như hiện nay.
Đổ tiền tỉ dụ người dùng

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ứng dụng Zalo của Công ty VNG đang thực hiện chiến dịch quảng bá hoành tráng nhất trong các ứng dụng OTT hiện có tại Việt Nam. Zalo gần như xuất hiện trên mọi phương tiện thông tin có thể nhằm thu hút sự chú ý của người dùng đến ứng dụng này. Mức độ hiệu quả đến đâu chưa rõ, nhưng theo một nguồn tin không chính thức thì VNG đã chi hàng chục tỉ đồng cho chiến dịch trên. Cùng với Zalo, Kakao Talk (Hàn Quốc) và Line (Nhật Bản) cũng đang chạy khá nhiều chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông vốn được đông đảo bạn trẻ quan tâm. Trước đó, ứng dụng WeChat cũng đã vung rất nhiều tiền cho chiến dịch tiếp thị rầm rộ tại Việt Nam thông qua các ngôi sao của giới trẻ. Tuy nhiên việc đưa đường “lưỡi bò” vào ứng dụng đã khiến sản phẩm này nhanh chóng bị người dùng tẩy chay...
Ngoài hình thức đổ tiền chạy chương trình quảng cáo, nhiều ứng dụng dựa vào tiềm lực có sẵn của mình cũng tung chiêu nhằm thu hút người dùng tối đa. Chẳng hạn mạng xã hội Facebook đang giữ ngôi số một Việt Nam về số lượng người dùng, do đó ứng dụng Facebook Messenger của họ cũng nhanh chóng thu hút đông đảo người dùng trên các thiết bị di động. Hay như ứng dụng Viber nổi tiếng trên thế giới và đã có mặt tại Việt Nam từ lâu. Những người dùng Viber luôn được khuyến khích đổi từ nhắn tin SMS đơn thuần sang nhắn tin miễn phí mỗi khi phát hiện bạn bè của họ cũng có sử dụng Viber...

Một ứng dụng OTT khác tại Việt Nam cũng đang được giới công nghệ đánh giá rất cao là Wala - sản phẩm “made in Việt Nam” 100%. Đây là kết quả của ba chàng trai Nguyễn Thanh Hòa, Nguyễn Quốc Minh (tiến sĩ công nghệ thông tin ngành xử lí dữ liệu tại Mỹ) và Phạm Đình Quốc Hưng (thạc sĩ ngành xử lí dữ liệu tại Nga). Mặc dù Wala hiện chỉ có lượng người dùng khiêm tốn do chưa chính thức ra mắt, nhưng sản phẩm có biểu tượng quả dưa hấu vẫn nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Chẳng hạn Wala luôn được cài mặc định trên các sản phẩm smartphone của Mobiistar. Ông Ngô Nguyên Kha, giám đốc điều hành Mobiistar, chia sẻ: “Là một nhà cung cấp smartphone cho người dùng Việt Nam, chúng tôi luôn cố gắng tìm tòi và đưa các ứng dụng Việt có giá trị vào sẵn trong sản phẩm của mình. Điều đó sẽ giúp thiết bị của chúng tôi khi đến tay người dùng có giá trị hơn, và đó cũng là một cách cổ xúy cho phần mềm Việt, trong đó có ứng dụng OTT”.
Miễn phí trước, thu phí sau

Vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay là các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng OTT sẽ kiếm tiền như thế nào sau khi đã vung tiền đem ứng dụng đến cho người dùng hoàn toàn miễn phí. Ông Nguyễn Quốc Minh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Wala, chủ sở hữu ứng dụng Wala - giải thích: “Trong ứng dụng OTT, chat, nhắn tin là công cụ giao tiếp căn bản. Nếu kiểm soát được thị trường này, nhà cung cấp có thể triển khai rất nhiều dịch vụ tiện ích khác trên điện thoại để thu tiền. Tuy nhiên theo tôi, trong môi trường Việt Nam các nhà cung cấp sẽ không thể thu tiền trực tiếp từ người dùng qua việc sử dụng dịch vụ. Họ chỉ có thể kiếm tiền thông qua các kênh quảng cáo và các dịch vụ giá trị gia tăng như: các dịch vụ cao cấp hay các sản phẩm mua trả tiền khác (trò chơi, nhạc...)”. Ông Vương Quang Khải - phó tổng giám đốc VNG - cũng cho rằng: “Ứng dụng OTT là một xu hướng phát triển tất yếu của thế giới và đem lại nhiều tiện ích cho người dùng. Tôi cho rằng nên miễn phí dịch vụ, sau đó thu phí các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên nền OTT”.

Bao quát hơn, ông Nguyên Kha nhận định: “Trước giờ chúng ta đều thấy Google toàn cung cấp các sản phẩm miễn phí cho người dùng xài, không lấy đồng phí nào, vậy mà doanh thu năm 2012 của họ hơn 40 tỉ USD. Rồi như Facebook đạt doanh thu khủng nhưng cũng cung cấp miễn phí đấy thôi... Nói chung ai cũng có bài toán kinh doanh của riêng mình. Chúng ta không phải nhà cung cấp dịch vụ nên không thể biết được. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết những công ty thế này thường được định giá bằng lượng người dùng nên hiện giờ có thể họ tập trung kiếm người dùng trước rồi làm gì với người dùng thì... tính sau”.
Lo ngại bảo mật thông tin cá nhân

Theo ông Võ Đỗ Thắng - giám đốc Trung tâm Đào tạo và an ninh mạng Athena, OTT cũng như các ứng dụng di động miễn phí khác đều được cài đặt vào thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau.

“Điều này khiến hacker hoàn toàn có thể lợi dụng để tạo các chương trình giả mạo hoặc gắn mã độc vào các ứng dụng này. Người sử dụng tải về cài đặt sẽ bị nhiễm virút. Khi đó, các thiết bị này có thể bị điều khiển từ xa, lấy cắp dữ liệu, nghe lén cuộc gọi... Lượng người sử dụng thiết bị thông minh ngày càng nhiều nhưng lại có rất ít kiến thức về an ninh mạng, nên hiện tượng lợi dụng các ứng dụng OTT để cài mã độc vào thiết bị ngày càng tăng” - ông Thắng nhận xét.

Từ phía nhà cung cấp dịch vụ, ông Thanh Hòa, giám đốc Công ty Wala, thừa nhận: “Sự lo ngại về việc bị thu thập các thông tin riêng tư trên điện thoại là có cơ sở, vì có thể nói điện thoại là thiết bị gắn liền nhất với hoạt động hằng ngày và có nhiều thông tin cá nhân nhất của người dùng. Ví dụ WeChat có hệ thống lưu trữ lại thông tin người sử dụng. Nếu cần biết về lịch sử của một cá nhân, những ai đã gọi, đã gửi tin nhắn, đã đi đâu, ở đâu... nhà cung cấp dịch vụ hoàn toàn biết dễ dàng. Do đó, nếu họ dùng những thông tin này cho mục đích xấu thì rõ ràng rất nguy hiểm. Vấn đề cốt lõi chính là đạo đức của nhà cung cấp dịch vụ”.
Dễ bị ăn cắp tài khoản

Về phía người dùng, ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, phó giám đốc Công ty Emerald, cảnh báo: “Xét cho cùng ứng dụng OTT cũng như bao ứng dụng khác trên smartphone, người dùng có thể tải về trải nghiệm dễ dàng hoặc gỡ bỏ nhanh chóng nếu không thích nữa. Một là người dùng “đóng cửa” với mọi ứng dụng, hai là họ phải biết cách sử dụng khôn ngoan. Tôi thấy nhiều người dùng khi cài ứng dụng đều chỉ biết liên tục bấm OK hoặc Next (Tiếp tục quá trình cài đặt) cho xong để được sử dụng dịch vụ mà không hề để ý xem những điều khoản sử dụng, những tính năng “cộng thêm” có thể có... đi chung vào ứng dụng mình đang cài đặt. Khi đó những rủi ro về backdoor (cửa hậu), virút theo dõi, ăn cắp tài khoản người dùng hoàn toàn dễ dàng xảy ra”.

( Theo NSS - Tuổi Trẻ Online )