Ông Boy Schallert, Giám đốc quản lý của Công ty Aalborg Industries A /S cho rằng, việc cắt giảm nghiêm trọng nguồn điện sẽ làm rất khó khăn cho công ty khi họ muốn ở lại Việt Nam hoạt động. Ông này cũng lo lắng tình trạng thiếu điện sẽ diễn ra trong năm nay.
Giá cả là trở ngại lớn đối với đầu tư nước ngoài tại các nhà máy điện. Theo Điện lực VN (EVN) hiện vẫn phải bán điện giá thấp dẫn đến thua lỗ nhiều vì bù giá.
Ông Matthias Duehn, giám đốc điều hành phòng Thương mại châu Âu cho biết, giá điện mà EVN cung cấp cho nhà đầu tư chỉ bằng khoảng 1/3 số tiền trung bình được trả tại Thái Lan và Campuchia.
Nếu giá năng lượng không được điều chỉnh, nó sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng cho Việt Nam trong các hoạt động trung và dài hạn. Việc cắt điện ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam và có thể ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư trực tiếp khác.
Nguồn cung cấp điện ổn định là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Susumu Sato, Phó giám đốc nghiên cứu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản tại Hà Nội cho biết. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, trong năm 2009 đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm đến 6.900 triệu USD, mức sụt giảm đầu tiên trong ba năm qua.
Ông Sato cho biết thêm, trong năm 2010, một số công ty thường bị cắt điện hai lần trong một tuần, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.
Mới đây EVN cho biết, mức nước thấp kỷ lục tại hồ chứa thuỷ điện đang làm ảnh hưởng tới sản xuất điện. Tháng trước EVN cho biết, ngành điện phải đối mặt với sự thiếu hụt khoảng 3 tỷ kw giờ trong mùa khô năm nay.
Theo thống kê từ Hiệp hội công nghiệp điện khu vực Đông Á và Tây Thái Bình Dương, ngành điện của Việt Nam phụ thuộc vào thuỷ điện khoảng 37%, tiếp theo là khí khoảng 36% và than đá là 16%. Chính phủ Việt Nam hiện đang cố gắng để đảm bảo cung cấp điện đầy đủ.
Các nhà kinh tế cho biết, giá cả gia tăng và tình trạng thiếu điện đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Theo nhà kinh tế học Matt Hildebrandt, của JPMorgan Chase & Co tại Singapore, giá điện tăng 15% sẽ thúc đẩy gia tăng lạm phát, và có thể dẫn đến tăng giá nhiều hơn sau sự mất giá VND.
(Theo Bloomberg)