Điềm tĩnh trước thảm họa
Sự kiện vừa xảy ra ở Nhật sau trận siêu động đất hiếm thấy với 9 độ Richter, các vụ nổ liên tiếp ở các lò phản ứng hạt nhân số 1 (ngày 12/3/2011), số 3 (14/3/2011) và số 2 (15/3/2011) là sự thiệt hại to lớn, gây nên mối qua tâm lo lắng sâu sắc đối với ngành công nghệ điện hạt nhân của Nhật bản và cả toàn thế giới.
Sau đại thảm hoạ Chernobyl năm 1986 ở Liên xô cũ, đây là thảm hoạ hạt nhân tệ hại nhất, lớn nhất. Trong 7 bậc thang an toàn hạt nhân, sự cố Chernobyl được xếp vào bậc 7, còn sự cố Fukushima vừa xảy ra có thể xếp vào khoảng từ 4 đến 6, tuỳ thuộc diễn biến của những ngày sắp tới trong việc ngăn chặn và khắc phục hậu quả.
Sự kiện này chắc hẳn có tác động nhất định nhịp độ phát triển công nghệ điện hạt nhân của nhiều nước trên thế giới. Nó cũng đòi hỏi sự cải tiến mạnh mẽ hơn công nghệ nhà máy điện hạt nhân.
Nhà máy hạt nhân Dai-ichi ở Fukushima sau vụ nổ thứ 2 hôm 14/3. (Ảnh: Getty)
Theo con số trên các phương tiện truyền thông, trong những ngày vừa qua có trên dưới một trăm người làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân Fukushiman bị nhiễm xạ ở mức độ khác nhau, dù chưa có con số cụ thể về liều chiếu xạ.
Độ phóng xạ cũng đã lan tỏa đến người dân do việc trong quá trình giảm áp lò phản ứng người ta đã cho xì ra một số phóng xạ chế ra ngoài. Đó là chưa nói những rò rỉ khác mà người ta cho rằng do sự nóng chảy của một số thanh nhiên liệu và cả một số nước làm nguội mang theo chất phóng xạ cũng bị chảy ra ngoài .
Sự lan truyền phóng xạ trong không khí đến các khu vực dân cư xung quanh các lò phản ứng bị sự cố và đến cả ở Tokyo cũng đã ghi nhận được.
Tuy vậy, các tin đồn lan truyền bụi phóng xạ đã bay đến Việt Nam, hoặc đã xuất hiện mưa axit, mây phóng xạ ở Hà Nội là những thông tin thất thiệt, không có căn cứ và thực tế. Vì nước ta ở xa Nhật bản, nếu có sự lan truyền thì phải sau một tuần hoặc 10 ngày chất phóng xạ từ Nhật bản mới tới Việt Nam. Và với nồng độ phóng xạ không lớn đã phát tán ra từ các lò Fukishima, khi tới Việt Nam nồng độ còn lại sẽ rất bé nhỏ khó có thể phát hiện được.
Trong thực tế, hai trạm quan trắc phóng xạ ở tại Hà Nội và ở Đà Lạt liên tục theo dõi và chưa ghi nhận một sự thay đổi nào cả. Vì vậy, trong tình hình như những ngày qua cho đến hôm nay mọi người ở nước ta có thể yên tâm, chưa có gì đáng lo ngại.
Như mọi người đều biết, Việt Nam đang có chương trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Việc này quốc hội đã thông qua, chính phủ đã khởi động. Cả 2 nhà máy đầu tiên đều đặt ở Ninh Thuận. Theo dự kiến, nhà máy thứ 1 sẽ do nước Nga xây dựng, nhà máy thứ 2 sẽ do Nhật xây dựng.
Sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản vừa rồi chắc không ít người Việt Nam suy nghĩ. Do đó, khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân chúng ta cần rút kinh nghiệm về phương diện bảo đảm an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân, hai yếu tố quan trọng nhất là chất lượng công trình xây lắp nhà máy và chất lượng của bản thân lò phản ứng.
Về mặt chất lượng xây dựng, các nhà máy như Fukushima 1 và 2 tỏ ra đứng vững được trước những chấn động siêu mạnh cấp 9 độ Richter. Về mặt này, Nhật bản có nhiều kinh nghiệm. Tuy vậy, việc nâng cấp hơn nữa chất lượng đó là không thừa. Ở đây phải lường định đến những sự cố thiên tai khốc liệt nhất có thể xảy ra. Chẳng hạn, hệ thống làm mát ở các lò phải được cải tiến, nếu các hệ này còn cần đối với các lò tương lai.
Về mặt chất lượng lò phản ứng, có thể thấy rằng các lò phản ứng ở Fukushima đều xây dựng từ những năm 60, 70 và 80. Đó là những lò thuộc thế hệ 1 hay thế hệ 1+. Chúng ta phải yêu cầu lò ở Ninh Thuận phải thuộc thế hệ 3 hay 3+.
Cũng nên nói thêm rằng, với các lò loại này, cơ chế làm mát là thụ động, tức trong thực tế không cần đến các bộ phận "phiền toái" như hệ làm mát với những bơm dự phòng, ăc-quy như ở các nhà máy điện Fukushima bây giờ.
Theo vietnamnet.vn