Để cho nhà máy điện hạt nhân có thể vận hành được vào năm 2020, cần ít nhất 200 chuyên gia cao cấp, trong khi đến nay chỉ mới có 31 người đang được đưa đi đào tạo dài hạn tại Nga và Pháp.
Ngoài ra đã có 258 kỹ sư được lấy từ các nhà máy nhiệt điện đưa đi đào tạo, tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài. Trong khi đó để nhà máy hoạt động được cần phải có khoảng 2.000 chuyên gia, TS - TS Điền Quang Hiếu, Trưởng phòng kế hoạch, Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nói.
Nỗi lo nhân lực và công nghệ
Thôn Vĩnh Trường sẽ được chọn xây dựng nhà máy ĐHN số 1. Ảnh: Thái Ngọc.
Để xây dựng và vận hành, bảo dưỡng hai nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam, TS Bogomil Machev, Giám đốc điều hành Công ty liên doanh Risk Engineering (Bulgaria) cho rằng, nguồn nhân lực cho là thách thức lớn. Lúc cao điểm xây dựng nhà máy sẽ cần tới 1.000 – 1.500 người để theo dõi, giám sát. Đây phải là những chuyên gia kỹ thuật phải có ít nhất 3 – 5 năm kinh nghiệm.
Theo PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: hiện nay, Việt Nam đang cùng với các đối tác nước ngoài đang chuẩn bị nhân lực vận hành nhà máy khi đi vào hoạt động và cả đội ngũ chuyên gia bảo dưỡng. GS.TSKH Trần Hữu Phát, chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng khẳng định: về nhân lực cho nhà máy hoạt động có thể đào tạo kịp, nhưng phải được tiến hành ngay từ bây giờ.
Tuy nhiên để đào tạo con người ở cơ quan quản lý các vấn đề về an toàn hạt nhân chính mình phải tự chuẩn bị. Ông Lê Chí Dũng, Phó cục trưởng cục An toàn bức xạ và hạt nhân: hiện nay đơn vị này có 90 người, nhưng đến năm 2014 trước khi nhà máy đi vào hoạt động đơn vị này phải cần hơn gấp 3 con số trên (khoảng 280 người). Trong đó ít nhất 60 người phải được đào tạo ở nước ngoài từ một đến 5 năm mới có đủ chuyên môn để tham gia trực tiếp vào công việc thẩm định.
“Ở Việt Nam, còn ít người am hiểu về công nghệ điện hạt nhân. Tuy nhiên, chúng ta sẽ theo thông lệ mà chọn những công nghệ tiên tiến và được kiểm chứng qua thực tế vận hành”, GS-TSKH Trần Hữu Phát nói. PGS.TS Vương Hữu Tấn cho biết thêm, Việt Nam sẽ xây dựng hai nhà máy theo công nghệ thế hệ thứ 3 hoặc 3+. Đây là các công nghệ đã được kiểm chứng là an toàn ở thế giới.
PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam:” Làm ĐHN không cho phép sai sót” (Ảnh: Thái Ngọc)
An toàn đặt lên hàng đầu
Các nghiên cứu của Việt Nam đã đánh giá hai địa điểm tại thôn Vĩnh Trường, Thái An là tốt nhất hiện nay để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, gần đây có một số ý kiến lo ngại về địa điểm xây dựng với những đứt gãy địa chất ở gần đó.
TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam nhìn nhận, cần làm sáng tỏ hơn địa chất ở hai khu vực này. Dự kiến nhà máy sẽ được khởi động vào năm 2014 và phát điện vào năm 2020. Tuy nhiên, theo PGS.TS Vương Hữu Tấn, không thể chỉ dựa vào mốc thời gian này. Làm ĐHN không cho phép sai sót. Đến khi nào có đủ văn bản pháp quy, đội ngũ cán bộ đáp ứng, hạ tầng cơ sở đảm bảo thì mới khởi công và vận hành, chứ không thể đốt cháy giai đoạn.
Theo ông Lê Chí Dũng, Phó cục trưởng cục An toàn bức xạ và hạt nhân, đến 2013, Việt Nam cần xây dựng hàng trăm văn bản pháp quy về an toàn hạt nhân trước khi khởi công nhà máy. Nhưng trong hơn hai năm qua, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong văn bản pháp quy làm cơ sở để phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy.
( Theo : Baodatviet )