Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 2/2011, Việt Nam mới có 21 dự án điện gió được nghiên cứu triển khai với công suất thiết kế trên 2.000 MW.
Vướng nhiều rào cản
Ngoài thế mạnh về môi trường, ưu thế lớn nhất của điện gió là vốn đầu tư chỉ tập trung cho giai đoạn xây dựng, chi phí vận hành, bảo trì. Sau thời gian khấu hao, giá điện gió sẽ giảm dần do không phải mua hay nhập khẩu nhiên liệu. Trong khi giá điện nhiệt điện sẽ ngày càng tăng theo giá nhiên liệu do các nguồn nhiên liệu sơ cấp (dầu, khí, than) ngày càng cạn kiệt dần. Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, nỗi lo lớn nhất của các nhà đầu tư điện gió là suất đầu tư và giá thành sản xuất khá cao. Cụ thể, suất đầu tư điện gió mức cao nhất là 2,77 triệu USD/MW, thấp nhất là 1,77 triệu USD/MW, cao gấp đôi thủy điện. Vì vậy, trong khi giá bán của các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ cho EVN dao động từ 450-700 đồng/kWh, thì giá điện gió lên tới hơn 1.300 đồng/kWh. Đây là lý do khiến điện gió rất khó cạnh tranh với các nguồn điện khác. Trong khi đó, ông Đặng Công Chuẩn, Phó TGĐTrungnam Group cho rằng, giá điện gió phải trên 10 cent/kWh các nhà đầu tư mới có lợi nhuận
Bên cạnh đó, chính sách, quy hoạch phát triển điện gió ở Việt Nam còn nhiều bất cập, việc thiếu một khung chính sách hỗ trợ phù hợp đã làm cho việc xây dựng các trại gió quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Những chính sách trợ giá mua điện từ nguồn năng lượng gió, những quy định cụ thể nhằm quản lý hoạt động đầu tư phát triển điện gió chưa rõ ràng, thống nhất nên chưa khuyến khích nhà đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất trong đầu tư điện gió là khoa học công nghệ thì Việt Nam vẫn chưa giải quyết được triệt để do thiếu các đơn vị tư vấn có chuyên môn và các cơ quan điều phối hoạt động năng lượng tái tạo. Hiện nay chúng ta mới công bố tổng tiềm năng sản lượng điện gió nhưng chưa có bản đồ khảo sát cụ thể, các nhà đầu tư điện gió phải tự đi khảo sát, tìm địa điểm. Đặc biệt, việc chưa thống nhất giá bán điện đã khiến các nhà máy điện gió đang ở trong tình trạng khó khăn. Vấn đề phát triển lưới điện đồng bộ cũng khá nan giải. Theo quy định, chủ đầu tư dự án điện gió chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp tăng áp (nếu có) từ nhà máy điện đến điểm đấu nối. Ngành điện sẽ đầu tư đường dây tải điện từ điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia. Nếu các chủ đầu tư điện gió phải đầu tư lưới điện nhiều thì chi phísẽ tăng, giá điện gió sẽ càng tăng cao.
Cần cơ chế ổn định
Trước tình hình phát triển điện gió gặp khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo quyết định, EVN sẽ mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 cent/kWh), chưa bao gồm thuế VAT. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ từ ngân sách cho EVN 207 đồng/kWh (tương đương 1 cent/kWh) thông qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, EVN chỉ phải trả 6,8 cent/kWh, thời gian hỗ trợ là 20 năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư điện gió còn được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% cho cả đời dự án; được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất, phí bảo vệ môi trường trong toàn bộ dự án... Tùy điều kiện, mức hỗ trợ sẽ được điều chỉnh hằng năm. Đặc biệt, Chính phủ quy định, sau khi hoàn thành đầu tư và nghiệm thu đưa vào vận hành thương mại, ngành điện có trách nhiệm huy động nhà máy điện gió theo chế độ ưu tiên khai thác toàn bộ công suất và điện năng phát phù hợp với chế độ gió của khu vực nhà máy. Vì vậy, trong hoàn cảnh nào chủ đầu tư cũng không lo “ế” điện.
Ngoài ra, Dự án năng lượng gió do Đức hỗ trợ cho Việt Nam sau 3 năm hoạt động đã giúp xây dựng khung pháp lý cho điện gió nối lưới tại Việt Nam. Fuhrlaender, nhà cung cấp tua-bin cho trang trại gió đầu tiên ở Việt Nam cũng cam kết mở nhà máy sản xuất cánh tua-bin và lắp ráp tua-bin ở Bình Thuận. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng cho các nhà đầu tư điện gió.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vấn đề nhiều người quan tâm là cần có cơ chế trợ giá rõ ràng để nhà đầu tư thanh toán đủ chi phí đầu tư, đảm bảo có lãi và giá này được giữ cố định trong vài chục năm. Quy định hiện nay cho thấy nguồn hỗ trợ đều từ ngân sách nhà nước, trong khi sẽ còn phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác. Nếu cơ chế trợ giá cho các nguồn năng lượng tái tạo khác tiếp tục thực hiện như cơ chế điện gió liệu có phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước nên hỗ trợ điện gió dưới hình thức thu trực tiếp từ khách hàng qua hóa đơn thu tiền điện thay vì sử dụng ngân sách của nhà nước. Tính toán của các nhà chuyên môn cho thấy, số tiền phải chi thêm hàng tháng vào năm 2020 chỉ từ 1.600-6.600 đồng/hộ. Đây là mức chi thêm không quá lớn đối với khách hàng mua điện nhưng có thể giúp các nhà đầu tư an tâm hơn nhờ chủ trương ổn định lâu dài. Khách hàng lại giảm được nguy cơ cúp điện nhờ có thêm ít nhất 1.000 MW điện gió (theo quy hoạch điện VII) hoặc nhiều hơn, kể cả điện mặt trời, điện sinh khối.
Được biết, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký Thư cam kết để Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ cung cấp hạn mức tín dụng trị giá 1 tỷ USD để đầu tư cho chương trình phát triển điện gió tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.
( Theo : baocongthuong.com.vn )