Thưa Đại sứ, hiện tại vấn đề nợ công ở châu Âu đang rất nhức nhối và trở thành mối lo ngại chung cho toàn cầu. Liệu thực tế này có ảnh hưởng tới Đan Mạch cũng như gói viện trợ dành cho Việt Nam trong thời gian tới hay không?
Tôi xin khẳng định lại với bạn là Đan Mạch đang không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công.
Hẳn rằng các bạn thường dễ có ấn tượng như vậy, bởi nhiều nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Italy đều đang phải đối mặt với những khoản nợ công rất lớn, song điều này lại không đúng với Đan Mạch.
Thử thách lớn nhất đối với nền kinh tế chúng tôi hiện nay là mức tăng trưởng thấp, trung bình chỉ đạt 1%/năm. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ phải giải được bài toán làm thế nào tăng cường hiệu quả nền kinh tế đi cùng với thúc đẩy sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, ngay cả vấn đề này cũng không hề ảnh hưởng đến vốn tài trợ mà Đan Mạch đã cam kết cho Việt Nam.
Đại sứ có thể cho biết gói viện trợ ODA vào Việt Nam sẽ được Đan Mạch thực hiện như nào, trọn gói trước hay dựa trên hiệu quả cuối cùng? Để tăng hiệu quả giải ngân, phía Đan Mạch có những biện pháp gì?
So với những khoản đầu tư từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB) thì các khoản viện trợ của chúng tôi được giải ngân hơi khác. Các dự án của WB chủ yếu là những dự án cho vay, còn của Đan Mạch là viện trợ không hoàn lại.
Chính vì vậy, khi chúng tôi cam kết một khoản tiền với Chính phủ Việt Nam thì đó là khoản cố định và không thay đổi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi cũng có công cụ kiểm tra của mình. Mỗi khi đề xuất kế hoạch giải ngân, có thể 1 năm hay 2 năm một lần thì đều phải trình bày được kế hoạch hoạt động.
Chúng tôi có chương trình đánh giá hàng năm, và nếu kết quả giải ngân của năm đó không đạt được yêu cầu, chúng tôi có thể sẽ dừng tài trợ hoặc đề xuất những cách tiếp cận khác.
Đan Mạch không có ý định phát triển điện nguyên tử
Vấn đề điện gió yêu cầu nguồn lực đầu tư phải rất lớn trong khi giá bán điện tại Việt Nam hiện lại rất thấp. Chính vì vậy, trong nhiều năm, dù đã đặt vấn đề song hiện nay phát triển điện gió vẫn chưa thực hiện được như mong muốn. Trong phương hướng hỗ trợ sắp tới về lĩnh vực này, Đan Mạch có dự định như thế nào thưa Đại sứ?
Tôi đồng ý với bạn là những dự án năng lượng gió thường yêu cầu một khoản đầu tư rất lớn bởi vì chúng sử dụng các công nghệ cao cấp.
Tuy nhiên, để giải quyết thách thức này, trong tháng 11 chúng tôi sẽ có một đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam tìm hiểu. Tại thời điểm đó chúng tôi sẽ cố gắng thiết lập quan hệ đối tác giữa các bên.
Bạn cũng đã đề cập đến một vấn đề rất đúng, đó là giá năng lượng ở Việt Nam hiện rất thấp. Đây là mức giá không do thị trường điều tiết và nó là trở ngại không nhỏ khi chúng tôi tiếp cận các doanh nghiệp Đan Mạch và muốn giới thiệu, kêu gọi họ đầu tư sang Việt Nam.
Cũng có thể một số công ty sẽ từ chối, nhưng theo tôi thấy, Chính phủ Việt Nam trong những năm vừa qua đã và đang tăng giá điện dù mức giá hiện nay chưa ở mức thị trường đúng nghĩa, chưa phản ánh sát thực được cung-cầu.
Trong sản xuất năng lượng gió, chúng tôi kỳ vọng đây là lĩnh vực có thể thiết lập được quan hệ đối tác thương mại song phương. Chúng tôi sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam để phát triển dự án này. Bởi tôi nhận thấy, sử dụng năng lượng hiệu quả đang là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phát triển như hiện nay và đà phát triển những năm tới.
Năng lượng gió là một thế mạnh của Đan Mạch. Kể từ những năm 80 đến nay, trong vòng 27 năm, GDP của Đan Mạch đã tăng 8%. Tuy nhiên, chúng tôi không hề tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Điều này là do chúng tôi đã giới thiệu một loạt công nghệ cao cấp, có hiệu quả.
Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đan Mạch hoạt động trong lĩnh vực năng lượng xanh này rất quan tâm và muốn thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình xây dựng 2 nhà máy điện nguyên tử, Đại sứ có đánh giá thế nào về điều này? Đại sứ có thể cho biết chính sách của Đan Mạch về năng lượng nguyên tử hay không, vì đây cũng là một trong những nguồn năng lượng xanh?
Tôi muốn khẳng định với bạn rằng Chính phủ Đan Mạch không muốn đầu tư, phát triển năng lượng nguyên tử tại đất nước mình. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào những nguồn năng lượng tái sinh, những nguồn năng lượng bền vững khác. Đây là một chính sách rất rõ ràng và chúng tối đã nhận được sự đồng thuận rất cao trong nước.
Đối với năng lượng nguyên tử, chúng tôi không có nguồn lực, kinh nghiệm và cũng không muốn phát triển loại hình năng lượng này.
Bên cạnh đó, chúng tôi ý thức được, Đan Mạch có rất nhiều lĩnh vực nổi trội khác. Ở Đan Mạch, năng lượng được sử dụng rất hiệu quả, và như tôi cũng đã đề cập, tốc độ sử dụng năng lượng giữ nguyên trong những năm vừa qua. Chúng tôi cũng có thế mạnh về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng từ rác thải, sinh khối.
Nếu đánh giá giải ngân hàng năm không hiệu quả, Đan Mạch có thể sẽ ngừng gói viện trợ.
Rác thải là nguồn lực cho đầu tư và phát triển
Xin Đại sứ cho biết thêm, nguồn vốn hỗ trợ cho tăng trưởng xanh chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng vốn đầu tư mà Đan Mạch rót vào Việt Nam?
Chúng tôi sẽ dành 60% nguồn vốn hỗ trợ cho lĩnh vực này, bao gồm hoạt động hỗ trợ các dự án chống lại biến đổi khí hậu; nghiên cứu về nước sạch, vệ sinh môi trường cũng như các dự án về năng lượng.
Đại sứ có thể cho biết cụ thể hơn về những chương trình hỗ trợ phòng chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam?
Chúng tôi sẽ hỗ trợ về phát triển chính sách.
Hai tỉnh mà chúng tôi đang hỗ trợ là Quảng Nam và Bến Tre bởi đây là các địa phương chịu tác động nặng nề nhất về biến đổi khí hậu. Hiện tại các tỉnh này đang phải hứng chịu những thách thức rất lớn do ngập lụt hàng năm.
Chúng tôi có những dự án thí điểm để các cộng đồng ở đây có được những biện pháp thích ứng với điều kiện ngoại cảnh.
Đại sứ đánh giá thế nào về hiệu quả của các chương trình hợp tác tăng trưởng xanh của Việt Nam thời gian qua?
Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh giữa Đan Mạch và Việt Nam từ trước năm 2009 là không nhiều, thực sự mới chỉ trong lĩnh vực môi trường. Thế nhưng, từ đó đến nay, do những thảo luận rất sâu sát về biến đổi khí hậu nên đã chuyển hướng tập trung sang lĩnh vực này.
Trên quan điểm của tôi, tôi thấy năng lượng xanh là một trong những lĩnh vực rất tiềm năng để phát triển quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch.
Bên cạnh năng lượng mặt trời và năng lượng gió, chúng tôi cũng rất nổi trội trong hoạt động chế tạo năng lượng từ rác thải.
Ở Việt Nam, các bạn có thể coi rác thải là những thứ bỏ đi, còn ở Đan Mạch, đó là là một nguồn tái sinh năng lượng. Đan Mạch có hệ thống tái sinh năng lượng từ rác thải được đánh giá là tiên tiến nhất thế giới. Chúng tôi thậm chí còn nhập rác thải từ các nước khác để tái chế, tạo ra năng lượng. Chúng tôi sử dụng rác thải để làm hệ thống sưởi cho cả nước hoặc sử dụng những nguồn điện khác.
Thực tế, tôi thấy ở đất nước các bạn, rác thải là một thách thức rất lớn. Trong tương lai, Chính phủ và cả người dân Việt Nam sẽ phải cân nhắc cần làm gì để xử lý khối rác thải khổng lồ này, không thể cứ chôn lấp mãi được, mà phải nghĩ cách biến chúng thành một nguồn tài nguyên sản sinh ra năng lượng.
125 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam
Đại sứ có thể cho biết đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam vào tháng 11 tới sẽ bao gồm những doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực nào không?
Như các bạn biết, năm nay kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đan Mạch và tháng 11 này sẽ là cao điểm của chương trình với việc Hoàng Thái tử Đan Mạch dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp sang thăm Việt Nam.
Đây là những công ty quan trọng hoạt động ở nhiều lĩnh vực, bao gồm tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng gió; khai thác dầu và khí gas; an toàn thực phẩm, tìm kiếm các cơ hội trong hệ thống phân phối, bán lẻ. Ngoài ra còn có giáo dục.
Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thảo giữa các doanh nghiệp hai bên trong chuyến thăm của Hoàng Thái tử sắp tới. Cụ thể vào ngày 28/11 ở Hà Nội và 30/11 tại TPHCM.
Việc lựa chọn đối tác ở Việt Nam của doanh nghiệp Đan Mạch sẽ dựa trên tiêu chí, yêu cầu nào thưa Đại sứ?
Để tìm đối tác Việt Nam cho các công ty Đan Mạch, chúng tôi thông qua nhiều kênh. Về phía Chính phủ có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp từng ngành nhất định.
Thông qua các tổ chức này chúng tôi sẽ lựa chọn và đánh giá xem những công ty nào phù hợp và sẽ gửi danh sách, liên hệ cho phía doanh nghiệp Đan Mạch. Đại sứ quán hoàn toàn không can thiệp vào công việc của các công ty một khi họ đã thiết lập quan hệ đối tác. Chúng tôi chỉ đóng vai trò là đơn vị hỗ trợ các công ty có thể gặp gỡ, làm việc với nhau mà thôi.
Hiện nay đang có 125 công ty Đan Mạch đang hoạt động ở Việt Nam và có văn phòng ở đây. Theo tôi đó là một con số khá ấn tượng. Các công ty này đã có kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam và họ cũng là một nguồn thông tin rất hữu ích cho ĐSQ.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Nguồn dvt.vn