Điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo quan trọng. Ảnh: Ngọc Tuấn
Hướng đi đúng
Trong bối cảnh an ninh năng lượng đang trở thành vấn đề “nóng” của cả thế giới như hiện nay, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, năng lượng tái tạo (NLTT) là điều tất yếu! Vì vậy, Quy hoạch điện VII đưa mục tiêu phát triển NLTT thành một trong những nội dung quan trọng, là hướng đi phù hợp với xu thế thời đại. Chính phủ cũng đã tính toán và đặt mục tiêu này trong Quy hoạch điện VI, nhưng do nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ triển khai chậm, kết quả không đạt được như dự kiến. Vì vậy, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, chú trọng năng lượng mới, NLTT được cụ thể hóa trong Quy hoạch điện VII theo từng giai đoạn. Phấn đấu đến năm 2030, NLTT sẽ chiếm khoảng 6% tổng nguồn điện cả nước.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây tuy chưa phải là con số lớn, nhưng sẽ rất quan trọng nếu chúng ta “cán đích” đúng hẹn. 6% trong tổng nguồn điện là NLTT sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển năng lượng mới trong các giai đoạn tiếp theo. Một mặt, nó giúp chúng ta chủ động, không lệ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng đắt đỏ. Mặt khác, NLTT cũng chính là nguồn năng lượng xanh, giúp giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, góp phần chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu..
Thách thức và cơ hội…
Phát triển NLTT là một hướng đi đúng, tuy nhiên, cũng không dễ để thực hiện. Do suất đầu tư của NLTT như điện gió, điện mặt trời… hiện nay còn rất cao, nên sẽ không dễ để kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ và vừa “vào cuộc”.
Thống kê sơ bộ cho thấy, thủy điện nhỏ và các NLTT khác cung cấp mỗi năm khoảng 1,3 tỷ kWh; năng lượng mặt trời tiết kiệm được khoảng trên 36 đến 45 triệu kWh/năm, và có khoảng 70% số hộ gia đình vùng sâu vùng xa, nông thôn… sử dụng NLTT. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về điện gió, điện mặt trời, sinh khối, khí hóa, sinh hóa… Nhưng trên thực tế, tiềm năng này vẫn chỉ mới được khai thác rất khiêm tốn, điện tái tạo chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn cả nước…
Giá thành cao, công nghệ mới… là những thách thức để phát triển NLTT. Nhưng mặt khác, tiềm năng dồi dào, nhu cầu lớn lại là cơ hội cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, cơ chế khuyến khích phát triển NLTT trong quy hoạch điện VII sẽ tạo hành lang cho các doanh nghiệp có thể tham gia cạnh tranh trên thị trường NLTT.
Đại diện một số doanh nghiệp đang tham gia sản xuất thủy điện nhỏ cho rằng, để thực sự khuyến khích phát triển NLTT, Chính phủ cần có những cơ chế chính sách cụ thể và đủ mạnh. Các doanh nghiệp “sẵn sàng tham gia nếu được hỗ trợ và có sân chơi bình đẳng… Cụ thể, trước mắt có thể miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị sản xuất NLTT, cũng như hỗ trợ giá hoặc thiết bị cho các hộ nghèo, vùng sâu vùng xa và nông thôn…”
Còn theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, thì bài học về phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ dẫn đến những tác động xấu về môi trường ở các tỉnh miền núi nước ta trong những năm gần đây cũng phải được tính toán đến. Từ đó, để phát triển NLTT, chúng ta cần có quy hoạch tổng thể ngay từ đầu, tránh đầu tư hoặc quá dàn trải, hoặc không đồng đều… Bài toán hài hòa lợi ích cần được chú trọng.
Còn theo nhận định của một số chuyên gia, sẽ rất khó để phát triển NLTT, nếu không có những cơ chế, chính sách tập trung, đồng bộ. Ví dụ như chưa có đầy đủ các cơ sở dữ liệu phục vụ việc lập quy hoạch tổng thể về phát triển NLTT, các chính sách và tổ chức hỗ trợ cho việc phát triển NLTT còn chưa đồng bộ, các công cụ và dịch vụ hỗ trợ NLTT cũng chưa phát triển… Và đặc biệt là các doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn cho phát triển các dự án NLTT… Theo ý kiến của Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng Tái tạo và Cơ chế phát triển sạch - Viện Năng lượng: “Để phát triển NLTT, bên cạnh cơ chế hỗ trợ minh bạch, cạnh tranh cũng cần có Quỹ Phát triển NLTT. Thực tế, Quỹ này đã được nhiều nước trên thế giới thành lập như Trung Quốc, Thái Lan, Malaisia, Philippines... Quỹ này có thể huy động từ nguồn viện trợ quốc tế như thông qua ODA, từ các doanh nghiệp hay nguồn thu từ bán chứng chỉ phát thải …”
Như vậy, thách thức và cơ hội trên thị trường NLTT mới mẻ đang song hành cùng nhau. Vấn đề là các doanh nghiệp biết “chớp thời cơ” để không bị “chậm chân” khi thị trường hoàn thiện.
Thống kê sơ bộ về tiềm năng và thực trạng khai thác các nguồn thủy điện nhỏ và NLTT ở nước ta:
STT Nguồn NL Tiềm năng Hiện tại
1 Thủy điện nhỏ > 7.000 MW 800 MW
2 Điện mặt trời 4 - 5 kWh/m2 1,5 MW
3 Rác thải 220 MW 2,4 MW
4 Sinh khối > 800 MW 150 MW
5 Điện gió 8% (7 - 8 m/s) 31,5 MW, dự án F/S: gần 2.000 MW
6 Thủy triều 100 - 200 MW 0 MW
7 Khí sinh học 100 MW < 1 MW
8 Địa nhiệt 200 - 340 MW 0 MW
(Theo tài liệu tại Hội thảo triển vọng và thách thức đối với phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam do Viện Năng lượng và Tập đoàn Công nghiệp Copper (Mỹ) phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 30/6/2011)
Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý Hội nhập