Thông tin từ Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng của Ủy hội sông Mê-kông (MRC), các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia đã đồng thuận chưa đưa ra quyết định về dự án đập thủy điện Xayaburi. Việc chưa đưa ra quyết định là để thực hiện thêm các nghiên cứu về tác động của dự án gây nhiều tranh cãi này đến vấn đề môi trường trong khu vực và đảm bảo đa dạng sinh học. Hiện chưa xác định được thời gian sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Vị trí đập Xayaburi trên dòng chính sông Mê-kông - Ảnh: Internet.
Tiến sỹ Jian-hua Meng - chuyên gia thủy điện của WWF cho biết, các quốc gia cần phải tận dụng cơ hội này để đánh giá đầy đủ và thích đáng những tác động của dự án đập Xayaburi, sử dụng các biện pháp khoa học và quy trình tham vấn tốt nhất.
Năm qua, dự án đập Xayaburi đã phải đối mặt với rất nhiều phản đối ngày một gay gắt của các quốc gia trong khu vực sông Mê Kông, chủ yếu xoay quanh việc thiếu hụt dữ liệu một cách trầm trọng và sự thất bại trong việc tìm hiểu tác động của con đập, đặc biệt đối với thủy sản và dòng chảy trầm tích. Tháng 4/2011, Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mê-kông (MRC) đã không đạt được thỏa thuận về dự án đập Xayaburi và đã chuyển giao quyết định cuối cùng lên cấp Bộ trưởng.
Một lần nữa quyết định hoãn xây dựng đập Xayaburi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Không thể thỏa hiệp với những rủi ro và sự thiếu hụt thông tin trong dự án đập. “Khi thực hiện bất kỳ một nghiên cứu nào khác, các quốc gia phía hạ lưu sông Mê-kông đều phải tham vấn tất cả các bên liên quan, thể hiện sự minh bạch và toàn diện. Bất cứ một khuyến nghị đúng đắn nào cũng cần được thực hiện.” Tiến sỹ Meng nói.
Các quốc gia cũng đã đồng ý sẽ tiếp cận chính phủ Nhật Bản và các đối tác phát triển quốc tế để tiến hành thêm các nghiên cứu về quản lý bền vững sông Mê-kông, bao gồm các tác động của các dự án thủy điện trên dòng chảy chính.
WWF tán thành việc hoãn xây dựng đập trên dòng chảy chính cho đến khi có đầy đủ thông tin để đánh giá tác động của đập. WWF khuyến nghị các quốc gia hạ lưu sông Mê-kông nên xem xét việc xây dựng nhà máy thủy điện trên các phụ lưu của sông Mê-kông, nơi dễ tiếp cận và ít rủi ro hơn.
Sông Mê-kông chảy dài 4,800 km dọc biển Đông, là dòng sông dài nhất tại vùng Đông Nam Á.
Hạ lưu sông Mê-kông, một trong những dòng chảy cuối cùng trên thế giới chưa bị biến đổi, tạo sinh kế cho hơn 60 triệu người bằng nguồn thủy sản giàu có.
Có hơn 700 loài cá nước ngọt sinh sống ở khu vực sông Mê Kông, 4 trong số đó thuộc 10 loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới trong đó phải kể đến cá tra dầu là loài đặc hữu của sông Mê-kông, hiện được xếp vào tình trạng cần bảo vệ đặc biệt.
Theo EVN