“Tử thần” ngay trên đầu
Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI), tính đến ngày 30/9/2011 trên toàn địa bàn thành phố hiện có 1.756 điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Đơn vị có số điểm vi phạm nhiều nhất là Công ty Điện lực Long Biên 255 điểm, đơn vị có ít nhất là Công ty Điện lực Mỹ Đức 8 điểm, đơn vị có nhiều điểm nguy hiểm là Công ty Lưới điện Cao thế TP Hà Nội (khu Hào Nam - quận Đống Đa, khu vực Hà Đông …)
Trạm Biến áp Trung tâm Bộ thủy lợi 23 - Hàng Tre, hiện nằm "chôn chân" trong nhà dân.
Theo ghi nhận của phóng viên Thế giới điện, nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội như Hàng Thùng, Tây Sơn, Trần Phú (Hà Đông)… có tình trạng các trụ điện, TBA nằm sát nhà dân, thậm chí có nơi còn nằm trong khuôn viên nhà dân. TBA Trung tâm Bộ Thủy lợi 23 Hàng Tre đặt tại đầu phố Hàng Thùng - Trần Quang Khải hiện đã “cắm chân” trong khuôn viên của garage sửa chữa xe ô tô Thế Kỷ. Trong khi garage lại sử dụng mái tôn để “cách ly” với TBA.
Anh Phạm Văn Hiệp – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao KHCN (Trường đại học Điện lực) cho biết, việc chủ hộ cho rằng “che” TBA bằng “bức tường” tôn sẽ đảm bảo an toàn là sai lầm! Nếu có xảy ra phóng điện từ trạm biến áp này thì chính tấm tôn đó sẽ là nguồn dẫn điện, khi đó hiểm họa thật khôn lường.
Nhìn vào TBA phân phối tại đầu ngõ 317 phố Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, nhiều người không khỏi rùng mình khi trên TBA được treo hàng loạt những biển quảng cáo, những chùm đèn điện trang trí. Người dân sống tại đây sẽ ra sao nếu xảy ra sự cố chập điện, phóng điện hay cháy nổ trạm biến áp?
Còn trên đường Trần Phú, quận Hà Đông, TBA tại số nhà 34 cũng đã “nằm” gọn trong nhà của chủ hộ. Ngoài ra, TBA tại tổ dân phố 19B phường Trung Liệt, quận Đống Đa cũng chỉ có khoảng cách với chủ hộ khoảng… 0,3m.
Được biết, nghị định 106/2005/NĐ - CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ đã quy định một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Theo đó, khoảng cách an toàn giữa vật mang điện tới khu vực xung quanh như cơ quan, nhà dân từ 1-3m tùy theo dây bọc hay dây trần. Đối với các trạm điện 15 kV không được tới gần trong phạm vi 2m và đường dây trạm điện 110 kV trong phạm vi 4m.
Ngành Điện khó xử lý
Thực tế hiện nay hành vi vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp (ATHLLĐCA) hết sức phức tạp do các công trình xây dựng cơi nới lấn chiếm trái phép, đặc biệt khu vực nội thành, khu thị trấn thị tứ. Tình trạng vi phạm ATHLLĐCA đe dọa nghiêm trọng đến an toàn cho vận hành lưới điện cao áp, đe dọa đến tính mạng người dân. Hậu quả sẽ khôn lường khi sự cố lưới điện làm mất điện cấp cho khách hàng, trong đó không loại trừ có các khu vực quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố đối với lưới điện 110 kV thì phạm vi mất điện sẽ rất lớn, làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.
Trao đổi với PV về thực trạng này, đại diện EVN HANOI cho biết, Tổng công ty và các công ty trực thuộc hết sức ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm ATHLLĐCA.
Nhiều năm qua, ban chỉ đạo xử lý vi phạm ATLATLĐCA của các cấp đã phối hợp tốt với ngành Điện thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay với tốc độ đô thị hoá nhanh, không ít công trình xây dựng trái phép đã vi phạm ATHLLĐCA mà việc kiểm tra, xử lý của ngành Điện và các cơ quan hữu quan gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc lập biên bản, xử phạt và các chế tài xử lý.
Giải pháp mà EVN HANOI luôn chú trọng là tuyên truyền để người dân hiểu và nắm được các quy định về ATHLLĐCA, cộng tác với ngành Điện trong việc đảm bảo an toàn cho lưới điện và bảo vệ tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự hỗ trợ của người dân, chính quyền địa phương trong việc tiếp tục phối hợp với ngành Điện nhằm phát hiện sớm và xử lý triệt để các vụ vi phạm, không để tái diễn tình trạng ngang nhiên thách thức…. “tử thần”.
Theo EVN