Mục tiêu chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 là đáp ứng 40-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Tuy nhiên, mục tiêu này về cơ bản đã… phá sản vì đến nay ngành Cơ khí mới chỉ có thể đáp ứng được 20 - 25% nhu cầu trong nước và trên 75% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu, “rơi” vào nhóm vật tư, thiết bị, nguyên liệu có thể sản xuất trong nước.
Chế tạo kết cấu thép cho các nhà máy thủy điện của Công ty cổ phần Cơ khí Điện lực, sản phẩm được sử dụng cho các công trình trong nước.
Có chỗ cho doanh nghiệp nội?
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, nguyên nhân là do trong những năm qua, việc đầu tư của ngành này thiếu tập trung và không đồng bộ, chưa có một cơ sở chế tạo nào đủ mạnh làm đòn bẩy thúc đẩy toàn ngành. Việc hỗ trợ và phối hợp liên kết không thực hiện được cũng vì thiếu những ngành cơ khí chuyên sâu cần thiết như sản xuất phôi thép, rèn, đúc chất lượng cao, áp dụng công nghệ tiên tiến. Thiếu những doanh nghiệp trang bị máy gia công chế tạo thiết bị lớn, hiện đại. Các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thường gặp phải những thủ tục phiền hà, kéo dài và đặc biệt với lãi suất tín dụng đầu tư ở mức cao, nên không hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước.
Đã từ lâu, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hầu như không biết đến chiến thắng trên “sân nhà”. Không phải doanh nghiệp cơ khí trong nước không có năng lực. Xin dẫn chứng một vài trường hợp cụ thể: Một giàn khoan chất lượng cao, sau hai năm đã được Hội Doanh nghiệp cơ khí phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chế tạo thành công, hạ thủy theo đúng yêu cầu mà chủ đầu tư đưa ra. Hay việc các doanh nghiệp cơ khí chế tạo thành công nhiều thiết bị cho dự án Thuỷ điện Sơn La, các nhà máy xi măng trong nước đã làm tổng thầu và thiết kế chế tạo, cung cấp tới 65% thiết bị cơ khí...
Ông Nguyễn Văn Thụ lấy việc đầu tư Nhà máy Xi măng Đồng Bành là một ví dụ điển hình của việc doanh nghiệp nhà nước “quay lưng” với các doanh nghiệp cơ khí nội. Đáng lý phải tự chế tạo thiết bị, nhưng Ban quản lý Dự án lại giao toàn bộ cho nhà thầu Trung Quốc. Trong khi thiết bị này, hoàn toàn có thể chế tạo được ở trong nước. Theo ông Thụ, nếu các cơ chế đấu thầu, chỉ định thầu còn giữ nguyên như hiện nay thì rất khó có thể phát triển ngành Cơ khí trong nước.
Vì sao nên nỗi?
Theo Bộ Công Thương, có nhiềucác dự án lớn đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Song, phải thừa nhận rằng các doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn còn những hạn chế, cụ thể: Một số máy móc thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước có chất lượng và giá cả chưa cạnh tranh với các thiết bị cùng loại nhập khẩu, đặc biệt là nhập từ Trung Quốc và Đài Loan. Hơn nữa, nhiều máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu... thuộc các gói thầu, hợp đồng trọn gói, do vậy rất khó khăn cho chủ đầu tư trong việc yêu cầu nhà thầu phải sử dụng các sản phẩm trong nước.
Bên cạnh đó, còn những khó khăn trong chuyển giao công nghệ. Nhiều nhà thầu trong nước chỉ làm được những bộ phận gia công cơ khí đơn giản, còn lại phải nhập khẩu thiết bị về lắp ráp trong nước. Những loại máy móc này tuy có giá thành cạnh tranh nhưng tính đồng bộ không cao, khó đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước thường không có đủ hồ sơ chứng nhận về vận hành thành công, không có chứng nhận thử nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế do các tổ chức có uy tín, độc lập cấp và chứng nhận. Do đó, khó đáp ứng điều kiện khi phải tham gia đấu thầu quốc tế. Đặc biệt là các gói thầu cung cấp thiết bị, các gói thầu giá trị lớn, gói thầu EPC...
Cần sớm sửa Luật Đấu thầu
Nhiều chuyên gia trong ngành Cơ khí cho rằng, nếu có những chính sách hợp lý, kịp thời thì ngành Cơ khí Việt Nam sẽ thoát khỏi cảnh thua trên sân nhà. Sản phẩm cơ khí nội địa vốn dĩ đã rất khó chiếm được thị trường bởi nhiều người dân vẫn còn chưa tin tưởng hàng nội. Vì vậy, cần có cơ chế, quyết định mạnh mẽ đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tế, triển khai nhân rộng, mới tạo được cơ hội cho ngành Cơ khí phát huy nội lực và chiến thắng trên sân nhà, trước khi vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Trần Anh Thái - Giám đốc Công ty TNHH Ứng dụng ATS cho rằng, Luật Đấu thầu hiện nay khó cho các doanh nghiệp trong nước vì không cạnh tranh được về giá. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần ban hành tiêu chí cụ thể là hàng sản xuất trong nước phải đáp ứng bao nhiêu phần trăm là nội địa hóa, tránh tình trạng doanh nghiệp mua hàng ngoại giá rẻ về dán tem thành hàng nội địa rồi bán ra thị trường.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp nội cũng cần phải không ngừng nâng cao năng lực, khẳng định thương hiệu Việt chứ không chỉ trông ngóng, chờ đợi vào cơ chế hoặc sự ưu đãi…
Theo EVN