Chiếc xe Peugeot sau khi đã được "dọn" lại cả bên ngoài và hệ thống điện bên trong
Những chiếc xe gắn máy như Vélo Solex, Mobylette, Peugeot… được sản xuất từ những năm 1900 – 1980 của thế kỷ XX hiện đang được dân sưu tập xe cổ săn đón. Những chiếc xe này sẽ được dọn lại (phục chế, làm mới). Nhưng để tự tay “dọn” được một chiếc xe thật ưng ý, ngoài hệ thống điện của động cơ còn phải chú ý tới hệ thống điện của còi và đèn xe.
Theo chuyên gia phục chế xe cổ Phạm Văn Thọ (28 Thanh Bảo – Hà Nội): Xe gắn máy là xe 2 bánh có gắn động cơ, những loại xe như Veslo Solex, Mobylette, Peugeot…là những xe vừa có bàn đạp, vừa có động cơ khi cần thiết có thể đạp như xe đạp mà không dùng đến máy. Loại xe cổ này được người chơi yêu thích.
Hệ thống điện của xe gắn máy hoàn toàn chạy bằng má vít (tụ điện má vít) và điện áp là 6V, nên mọi yêu cầu kỹ thuật cần phải có độ chính xác cao. Khi phục chế hệ thống này, ngoài việc có được những tụ điện, máy phát điện, má vít được cấy lại (gắn mới) để thay thế, còn cần phải có được một cao áp (kích điện) tốt. Hệ thống điện của dòng xe này so với các dòng xe khác cũng chạy bằng điện má vít như Simson – BS51 (của Đức), Vespa (Ý) không có sự khác biệt.
Cấu tạo của xe 2 bánh có gắn động cơ gồm: Động cơ, hệ thống truyền chuyển động, hệ thống chuyển động, điều khiển, điện đèn còi. Tùy theo từng loại xe, hệ thống điện có thể là hệ thống đánh lửa điện từ hay hệ thống đánh lửa bán dẫn. Hệ thống này có nhiệm vụ tạo tia lửa điện vào đúng thời điểm nhất định để đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu trong xi-lanh động cơ, cung cấp điện năng cho hệ thống đèn, còi tín hiệu, khởi động động cơ, theo dõi mức nhiên liệu ở bình chứa.
Đa số những dòng xe được sản xuất từ năm 1981 trở về trước là những dòng xe chạy bằng hệ thống điện má vít. Người chơi xe cổ khi “dọn” có thể nâng cấp hệ thống điện từ má vít lên hệ thống điện bán dẫn cho từng loại xe của mình. Tuy nhiên, khi lắp hệ thống điện bán dẫn, tiếng nổ của bô xe không được tròn tiếng nên nhiều người chơi xe cổ không chuộng hệ thống điện loại này.
Để đảm bảo an toàn, lưu ý khi điều chỉnh hệ thống điện cho động cơ:
• Người sửa chữa phải hiểu về mạch điện.
• Khi quấn lại máy phát điện, phải đúng theo nguyên bản thiết kế của xe (không được quấn dây to hơn, vì khi đó tụ không chống được dòng tự cản gây nên cháy má vít).
• Má vít phải được giữ sạch.
• Tụ điện phải đúng chỉ số.
• Cao áp (kích điện) phải là cao áp dùng cho xe chạy bằng má vít.
Lưu ý cho hệ thống điện đèn, còi:
• Đi đường dây điện đúng theo thiết kế ban đầu của xe.
• Dây có tiết diện là 5 mm. Không dùng dây có tiết diện lớn hơn (điện áp sẽ tăng, gây cháy đèn)
Theo EVN