Thang ra sứ composite
Lưới điện do Truyền tải điện Thái Nguyên đang quản lý gồm các đường dây 220 kV mới đưa vào vận hành như: Đường dây 220 kV Sóc Sơn - Thái Nguyên 2; đường dây Tuyên Quang - Bắc Kạn - Thái Nguyên.
Theo quy trình vận hành tạm thời do Công ty Truyền tải điện 1 ban hành “Về việc bảo quản, vận hành, sử dụng sứ composite”, việc thực hiện công tác kiểm tra và sửa chữa dây dẫn đối với loại sứ này không được treo trực tiếp trên sứ composite để ra dây. Trong khi đó, Truyền tải điện Thái Nguyên cũng chưa có loại dụng cụ nào để áp dụng cho việc ra sứ loại composite này. Khắc phục hạn chế trên, kỹ sư Phạm Bá Hằng đã có sáng kiến đảm bảo cho đường dây vận hành an toàn, chuỗi sứ không ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu chịu lực, không bị rách, xước phần cách điện của chuỗi sứ khi ra ngoài để kiểm tra, vận chuyển các dụng cụ thay thế sứ và sửa chữa dây dẫn.
Kỹ sư Phạm Bá Hằng cho biết, thang ra sứ néo composite được thiết kế bằng Inox hộp 40x40 dày 1 mm, một đầu bên trong được lắp vào 2 thanh chuyển dịch của chuỗi sứ bàng bu lông, đầu ngoài được thiết kế có móc hình chữ U để khi lắp hình chữ U phải ôm chọn vào khánh. Chiều dài tổng cộng của thang là 2,55m, ở giữa được hàn 7 thanh đố ngang để thuận tiện dễ dàng đi lại trên thang. Trọng lượng tổng của thang là 6,5kg, rất nhẹ nhàng trong quá trình mang theo, tiết kiệm được thời gian và sức lực. Khả năng chịu tải ở chế độ nằm ngang của thang là 150 kg.
Theo kỹ sư Phạm Bá Hằng, quá trình lắp đặt thang sứ đơn giản, dễ dàng, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến cách điện của chuỗi sứ. Chi phí chế tạo cho một bộ phù hợp; áp dụng được cho công việc kiểm tra, sửa chữa, thay sứ néo kép và các công việc khác liên quan đến sửa chữa dây dẫn trên các tuyến đường dây có sử dụng cách bằng composite.
Sáng kiến tiếp địa chống sét
Bên cạnh sáng kiến dùng thang ra sứ composite, Truyền tải điện Thái Nguyên còn có sáng kiến tiếp địa chống sét rất hiệu quả.
Để đảm bảo cho đường dây vận hành an toàn, công nhân phải thường xuyên kiểm tra và xử lý các khiếm khuyết trên đường dây, trong đó không thể bỏ qua công tác kiểm tra và chỉnh khe hở mỏ phóng cho dây chống sét. Trước đây, để thực hiện nhiệm vụ này, người công nhân thường dùng dây tiếp địa một pha sử dụng cho dây dẫn có chiều dài 6m. Loại dây này có trọng lượng nặng và có thể gây ra sự cố khi bất cẩn trong quá trình lắp đặt để kiểm tra và chỉnh khe hở mỏ phóng dây chống sét, trong khi đó phía dưới đường dây vẫn còn mang điện.
Để đảm bảo an toàn và phục vụ tốt hơn cho công tác kiểm tra và chỉnh khe hở mỏ phóng dây chống sét, sáng kiến cải tiến kỹ thuật "Tiếp địa di động dùng cho dây chống sét” của kỹ sư Phạm Bá Hằng và Ngô Bá Lập đã ra đời.
Sáng kiến tiếp địa di động dùng cho dây chống sét được thiết kế gồm các bộ phận như: Sào cách điện F27 chiều dài 1m, một đầu bịt kín bằng cao su cứng, đầu còn lại gắn cố định với bộ phận bằng nhôm có ren trong. Dây đồng mềm nhiều sợi ngoài có vỏ bọc nhựa tiết diện, một bộ mỏ tiếp địa dùng cho các loại dây có tiết diện từ 50 đến 185 mm2 được nối với dây tiếp địa và đầu ren trong của sào để dễ dàng thao tác khi lắp đặt; một bộ phận để lắp vào điểm nối đất làm bằng đồng cứng có ren hãm chặt. Tất cả các chi tiết trên được liên kết với nhau chặt chẽ, chắc chắn đảm bảo độ tiếp xúc và dẫn điện tốt. Trọng lượng của cả bộ dây tiếp địa rất gọn nhẹ (chỉ 1,5kg), thao tác tháo, lắp đơn giản, dễ dàng, đặc biệt không gây ra sự cố trong quá trình tháo, lắp.
Hiện việc áp dụng giải pháp này cho việc kiểm tra, chỉnh khe hở mỏ phóng và các công việc khác liên quan đến sửa chữa dây chống sét được bố trí trên toàn tuyến vì chi phí chế tạo rất hợp lý.
Theo Hiendaihoa