Hai vụ nổ hóa chất nghiêm trọng xảy ra vào ngày 17/7/2010 làm 2 công nhân người nước ngoài bị thiệt mạng và vào 8 giờ ngày 3/8/2010 làm 2 công nhân Việt Nam thiệt mạng và 5 người khác bị thương.
Ngay sau khi xảy ra sự cố hóa chất nêu trên, ông Trần Hữu Nam- Tổng giám đốc công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng, Chủ đầu tư dự án đã cho biết: vụ nổ xảy ra thuộc trách nhiệm của nhà thầu thi công (Công ty Đông Phương- Trung Quốc).
Tổ giám sát đang nghe thuyểt trình phương án xử lý sự cố tại nhà máy
Xử lý đảm bảo tuyệt đối an toàn
Sau vụ nổ, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất và Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) đã tiến hành lập biên bản và cùng các bên xác định nguyên nhân sự cố. Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng và nhà thầu phía Trung Quốc đã lên phương án mời một đơn vị để xử lý sự cố này. Từ tháng 10/2010, Trung tâm công nghệ xử lý môi trường đã khảo sát xác định nguyên nhân nổ lên phương án khắc phục, tiêu hủy hóa chất. Bộ Công Thương cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định xử lý sự cố gồm các nhà khoa học, các chuyên gia về hóa chất trong và ngoài ngành do GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu- Đại học Bách khoa Hà Nội- làm Chủ tịch Hội đồng và TS. Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất- làm phó chủ tịch Hội đồng. Ngày 20/12/2010, phương án của Trung tâm công nghệ xử lý môi trường đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Ngày 30/12/2010 đã chính thức tiến hành xử lý.
Tổ trưởng tổ công tác xử lý sự cố- Đại tá Đinh Ngọc Tấn- Trung tâm công nghệ xử lý môi trường cho biết: Với vụ nổ ngày 3/8/2010, đơn vị đã tiến hành khảo sát và cho thấy: tại hiện trường còn 5 can hóa chất, trong đó có hai can nhựa loại 20 lít đựng chất MEKP (Methyl ethyl ketone peroxide) thường được sử dụng làm chất khơi mào cho quá trình chế tạo hợp chất composit và 3 can nhựa loại 20 lít đựng chất tăng tốc phản ứng (được gọi là Accelerator). Nguyên nhân chính gây nên hai vụ nổ được cho là do chất MEKP đựng trong can dưới sự tác động va đập cơ học.
Với phương châm phải bảo đảm an toàn tuyệt đối với người và phương tiện, phương án xử lý bao gồm hai giai đoạn chính: giai đoạn một là làm mất khả năng gây nổ do áp suất của các can đựng hóa chất. Giai đoạn hai là xử lý tiêu hủy và phân hủy làm mất tính độc hại của các loại hóa chất. Ở giai đoạn một, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, đội xử lý gồm khoảng 20 bộ đội hóa học đã tiến hành dựng một bức tường cát dày 1m, cao 1,5m xung quanh các can hóa chất. Để làm giảm áp suất trong can hóa chất, lực lượng đã phun liên tục khí CO2 lạnh lên bề mặt xung quanh các can trong thời gian 30 phút sau đó, dùng thiết bị khoan chuyên dụng tiến hành khoan thủng vỏ can để hóa chất chảy ra thấm vào vật liệu hấp phụ, tạo ra cân bằng về áp suất trong và ngoài can.
Đại tá Đinh Ngọc Tấn cho biết thêm, để ngăn chặn hóa chất chảy ra nền kho sau khi khoan và nhất là tránh hai loại hóa chất trộn lẫn với nhau có thể gây nguy cơ cháy nổ, phía trong của tường cát đã được đặt một lớp màng chống thấm HDPE, phía trên phủ vật liệu hấp phụ để hấp phụ toàn bộ hóa chất chảy ra sau khi can bị khoan thủng.
Ở giai đoạn hai, sẽ dùng phương pháp đốt để tiêu hủy hoàn toàn vật liệu hấp phụ đã hấp phụ hóa chất chảy ra ngoài và phần hóa chất còn sót lại trong can sau khi bị khoan thủng. Công việc cuối cùng là tiêu độc nền đất kho, khu vực xung quanh bằng các chất tiêu độc theo đúng quy trình tiêu tẩy các chất độc trên bề mặt và chất độc thấm vào đất.
Cần khai báo an toàn hóa chất
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sinh- Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất (Cục Hóa chất)- Thư ký Hội đồng thẩm định- cho biết: Đây là phương án xử lý hiện đại, chuyên nghiệp và an toàn nhất. Hai loại hóa chất MEKP và chất tăng tốc đều là những loại hóa chất nguy hiểm, có khả năng xảy ra cháy nổ rất cao, vì vậy phương án xử lý đã được nghiên cứu và thẩm định rất kỹ khâu an toàn. Trước khi lên phương án xử lý chính thức ngày 30/12, đội xử lý đã phải thực tập, luyện tập thử nghiệm xử lý thành thục các thao tác, đặc biệt là các thao tác đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao.
"Thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, trong năm 2010 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ nổ (ngày 17/7/2011 và ngày 3/8/2010) làm tổng cộng 4 người chết và năm người bị thương. Năm 2010 cũng là năm xảy ra nhiều vụ nổ hóa chất trên cả nước làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Điều này đặt ra vấn đề về an toàn hóa chất nói riêng và an toàn lao động nói chung. Cũng trong năm 2010, để nâng cao nhận thức của các đơn vị về đảm bảo an toàn hóa chất, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã khai trương Hệ thống cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất trực tuyến và giúp các doanh nghiệp xây dựng phiếu An toàn hóa chất. Trên thực tế, để hạn chế tối đa các vụ nổ hóa chất, cần nâng cao nhận thức hơn nữa nhận thức của chính các đơn vị sản xuất, xuất nhập khẩu hóa chất, theo quy định nhà thầu thi công phải cung cấp danh mục các vật tư thiết bị, kể cả hóa chất nhập khẩu khi thi công nhà máy. Tuy nhiên nhà thầu đã để chung loại hóa chất trên vào thiết bị máy móc và không thực hiện khai báo an toàn hóa chất. Thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an an toàn hóa chất, để tránh các hiện tượng quản lý không an toàn xảy ra, đề nghị các doanh nghiệp hoạt động hóa chất cần tuân thủ thực hiện"- TS Nguyễn Xuân Sinh nhận định.
(Theo baocongthuong.com.vn)