Nhà máy điện Nhơn Trạch 1.
Thống nhất đồng bộ quy hoạch phân ngành và giá năng lượng
Trong văn bản số 92 ngày 24/10/2012, VEA đã đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo việc lập và triển khai thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng sao cho đảm bảo tính thống nhất và tính đồng bộ. Quy hoạch phát triển điện lực phải được lập phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, nguyên tử) cho phát điện, bao gồm các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, VEA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tổ chức nghiên cứu, rà soát nhu cầu năng lượng, khả năng đáp ứng của các nguồn năng lượng trong nước, khả năng nhập khẩu một cách tổng thể và dài hạn đến năm 2020, 2030 và xa hơn, từ đó mới hoạch định chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả.
Mặt khác, về giá nhiên liệu cung cấp cho ngành năng lượng, VEA đề nghị Bộ Công Thương tổ chức nghiên cứu, soát xét một cách đồng bộ giá than, điện, dầu, khí theo giá thị trường dưới sự chỉ đạo của Chính phủ để đầu ra của giá điện được hợp lý làm cho doanh nghiệp, nhân dân đồng tình trên tinh thần các Tập đoàn trong ngành năng lượng phải có lãi để tiếp tục đầu tư phát triển.
Rà soát nhu cầu và khả năng cung cấp điện
Ngoài ra, VEA đề nghị rà soát nhu cầu điện và khả năng cung cấp khí cho nhiệt điện Cà Mau I và II (thuộc PVN), sớm hoàn thành đường ống dẫn khí Tây Nam trước 2015, đảm bảo đủ khí, phát huy công suất thiết kế đã lắp đặt. Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo PVN và Tổng công ty Khí Việt Nam có cơ chế chính sách hỗ trợ giá khí đầu vào, hoặc sớm hoà giá khí chung cho các nhà máy điện sử dụng khí tại Nam Bộ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các đường ống trên bờ như: đường ống Phú Mỹ - Nhơn Trạch - TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2), đường ống kết nối Đông Tây (Hiệp Phước - Ô Môn) và đường ống đấu nối Lô PM3 - Cà Mau với Lô B - Ô Môn.
Tiếp theo đó là rà soát nhu cầu và nguồn khí cung cấp cho Trung tâm nhiệt điện Ô Môn (thuộc EVN), gồm Ô Môn I tổ máy 1: 330MW đã xây dựng, tổ máy 2: 330MW đã khởi công 10-2012, còn các nhà máy Ô Môn II, Ô Môn III, Ô Môn IV (Tổng công suất của Trung tâm nhiệt điện Ô Môn là 2910 MW, dự kiến đưa vào vận hành các năm 2015, 2016).
Hơn nữa, để thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh đã được phê duyệt, VEA kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm hoàn thành Luật Năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trình Quốc hội phê chuẩn, đưa ra các Chính sách cơ chế ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, (gió, mặt trời, sinh khối, sinh học, địa nhiệt, thủy triều…).
Về tiềm năng các dạng năng lượng này ở Việt Nam là phong phú ví như về năng lượng gió hiện nay đã có nhiều nhà máy phong điện đã và đang đầu tư xây dựng trong đó có nhà máy đã đưa vào vận hành như nhà máy phong điện Tuy Phong Bình Thuận 30MW (công suất cuối cùng là 120MW), nhà máy phong điện Bạc Liêu 13,5MW (công suất cuối cùng là 93MW), nhà máy phong điện Phú Quý 3x2MW. Nhà máy phong điện đảo Phú Quý của PVN triển khai ở huyện đảo Phú Quốc không nối với hệ thống điện quốc gia, không những có ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội cho huyện đảo mà còn nhằm vào mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đã xây lắp xong, sẵn sàng đưa vào vận hành thương mại đang rất cần được Chính phủ và Bộ Công Thương giải quyết hỗ trợ giá bán điện.
Bổ sung các dự án điện vào quy hoạch điện VII
Một vấn đề đáng quan tâm nữa được VEA nêu ra là việc xem xét bổ sung các dự án điện vào Quy hoạch Điện VII và sớm mở rộng nhà máy nhiệt điện Na Dương 2.
Theo đó, VEA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá lại tiềm năng dầu khí, nguồn khí và tình hình sử dụng khí tại miền Đông Nam Bộ để xem xét khả năng phát triển Trung tâm Điện lực Nhơn Trạch 2.700MW, gồm 4 nhà máy điện Nhơn Trạch I (450MW), Nhơn Trạch II (750MW), Nhơn Trạch III (750MW) và Nhơn Trạch IV (750MW) đã được nghiên cứu trước đây.
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại I (4x110MW) đã vận hành trên 28 năm, gần hết khấu hao, công nghệ cũ, tiêu hao than gấp 1,5 lần công nghệ mới nên vận hành kém hiệu quả. VEA đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy mới đưa vào vận hành năm 2020 với công nghệ tiên tiến, công suất đến 2x600MW. Tại đây diện tích mặt bằng đảm bảo để xây dựng lại tận dụng được tối đa cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chỉ đạo TKV xúc tiến sớm việc mở rộng nhiệt điện Na Dương 2 có công suất ≥110 MW, đưa vào vận hành vào năm 2015 đồng bộ với việc phát triển mở rộng Mỏ than Na Dương nâng công suất lên 1,2 triệu tấn theo quyết định của Chính phủ. Mỏ than Na Dương đảm bảo cung cấp than trong vòng 30 năm. Xây dựng được Trung tâm điện lực Na Dương ở đây gồm nhà máy nhiệt điện Na Dương I và nhà máy nhiệt điện Na Dương II có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Hơn nữa, theo đánh giá của VEA tiến độ thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII đến nay là rất chậm, chủ yếu là do không thu xếp được vốn. Do đó, VEA kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Nhà nước tạo cơ chế chính sách giúp cho ba Tập đoàn EVN, PVN, TKV và các nhà đầu tư khác sớm có đủ vốn để triển khai đúng tiến độ các dự án của Quy hoạch Điện VII.
Theo đánh giá của Chính phủ và PVN, nguồn khí sẽ ngày càng ít dần do đó Đảng, Chính Phủ và PVN cần nghiên cứu việc lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khí LNG (khí hóa lỏng). Chính phủ giao cho các Tập đoàn, các nhà đầu tư xây dựng các dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch Điện VII sớm ký hợp đồng nhập khẩu than với TKV đồng thời cũng cần quy hoạch các hệ thống cảng trung chuyển cũng như hệ thống đường xá, băng chuyền… để sử dụng than nhập khẩu thuận lợi nhất.
“Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tin tưởng các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ có sự quan tâm sâu sát và sớm có các giải pháp, có cơ chế chính sách, để tháo gỡ những khó khăn cho các Tập đoàn nêu trên cùng với các doanh nghiệp nằm trong hệ thống năng lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước vào năm 2020, cũng như việc cung cấp đầy đủ năng lượng cho nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” – Chủ tịch Trần Viết Ngãi nêu trong văn bản đề xuất của VEA.
(theo: hanoimoi)