Ảnh minh họa: Internet
Lỗ do đâu?
Tại buổi tổng kết hoạt động năm 2010, ông Đào Văn Tri - Chủ tịch hội đồng thành viên EVN - cho rằng, EVN lỗ 8.000 tỉ đồng trong năm qua là do phải huy động nguồn điện giá cao chạy dầu, chạy khí để bù đắp cho sản lượng điện bị thiếu hụt trong mùa khô của thủy điện. Theo ông, ngoài khoản lỗ này, EVN còn phải gánh thêm khoảng 10.000 tỉ đồng các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính do tỷ giá bị thay đổi.
Tổng doanh thu bán điện năm 2010 của EVN đạt 90.877 tỉ đồng, tăng 21,5% so với năm 2009.
Là thành viên của EVN, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc Nguyễn Phúc Vinh cho biết, hiện 10 tỉnh phía Bắc hiện đang dùng điện Trung Quốc với giá mua 5,3 cent/kWh (cộng 10% thuế nhập khẩu và phí truyền tải phân phối khoảng 1.400 đồng/kWh), nhưng chỉ thu được giá bán 760 đồng/kWh, nên đang lỗ rất nặng.
Theo ông Vinh, càng kéo dài tình trạng này các công ty điện càng lỗ, không có nguồn để đầu tư.
Cũng theo ông Vinh, EVN cần 12.000 tỉ đồng để đổ dầu chạy các nhà máy nhiệt điện mới giảm được thiếu hụt điện, riêng 6 tháng đầu năm cần khoảng hơn 5.400 tỉ đồng. Nhưng số tiền này không biết lấy ở đâu ra, các ngân hàng không muốn cho vay vì khoản đầu tư này khó thu lợi nhuận, chưa kể còn gây lỗ.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý theo báo cáo tổng kết của EVN là viễn thông điện lực - lĩnh vực đầu tư tay trái - trong năm qua chỉ đạt doanh thu bằng 61% kế hoạch với 2.885 tỉ đồng.
Tăng giá, có giảm được thiếu điện?
Giải pháp để chống thiếu điện cho năm 2011 theo lãnh đạo EVN là điều chỉnh cơ chế giá điện. Đây là lý do để EVN “thúc giục” Bộ Công thương sớm thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường và trình Chính phủ phê duyệt Cơ chế giá điện theo thị trường và Đề án giá điện năm 2011.
Năm 2011, theo tuyên bố của EVN, khả năng thiếu hụt điện có thể lên tới trên 3 tỉ kWh. Trong khi, năm 2010 sản lượng điện thiếu hụt 1 tỉ kWh đã phải cắt điện triền miên và theo EVN, tập đoàn này đã lỗ hàng nghìn tỉ đồng do phải huy động nguồn điện giá cao.
Mặt khác, EVN cũng xin thêm nhiều ưu đãi như đề nghị các Bộ bảo lãnh cho EVN phát hành 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế, vay 15.000 tỉ đồng từ Quỹ bảo hiểm xã hội…
Hiện mức tăng, thời điểm tăng chưa được thông qua, song theo một chuyên gia trong ngành, cơ quan thẩm định là liên Bộ Tài chính, Công thương cần tính toán mức tăng hợp lý. Bởi xét gốc rễ vấn đề, tăng giá điện không phải là giải pháp tối ưu cho vấn đề thiếu điện.
Chưa kể, theo chính đề nghị của ngành điện, việc cắt giảm điện cho thép, xi măng (chiếm khoảng 10% tổng tiêu thụ điện) có thể giảm bớt gánh nặng lỗ cho EVN. Cụ thể, theo ông Nguyễn Phúc Vinh, nếu cắt giảm 30% điện cho thép, xi măng, sẽ bớt phải dùng 5.400 tỉ đồng tiền mua dầu chạy điện cho mùa khô 2011.
Giá bán điện EVN cao hơn phê duyệt
Theo EVN, giá bán điện bình quân của tập đoàn này năm 2010 đạt 1.060,63 đồng/kWh, cao hơn 2,93 đồng/kWh so với phê duyệt Đề án giá điện năm 2010 của Bộ Công thương. Các đơn vị có giá bán bình quân cao là Tổng công ty điện lực TP.HCM đạt 1.289,4 đồng, Điện lực Hà Nội với 1.182,3 đồng/kWh.
(Theo baocongthuong.com.vn)