Anh Minh cho biết, áo phao hiện chỉ mang tính chất đối phó chưa thể đảm bảo được sự sống cho ngư dân đi biển khi gặp chuyện. Một phần do áo phao sử dụng loại vải quá mỏng, các đường chỉ được may không kỹ lưỡng nên khi gặp sóng to, áo phao gần như bị rách tơi tả. Chính vì thế anh Minh bắt tay vào thiết kế và cải tiến áo phao đảm bảo an toàn hơn.Cụ thể, áo phao được may bằng 3 lớp vải, gia cố thêm bằng những đường viền dày kẹp vào thân áo. Các túi áo được thiết kế rộng rãi, có khả năng chứa được 18 hũ nhỏ đựng gạo sấy rong biển và 10 chai nước uống loại 50ml. Đây là nguồn năng lượng bổ sung cực kỳ quý giá, giúp người bị nạn duy trì sự sống từ 5 - 6 ngày trong khi chờ đợi cứu hộ. Không chỉ vậy, đi kèm với áo phao còn có nhiều vật dụng như mũ phát quang, đèn LED, bộ áo quần giữ nhiệt bằng vải simili…Mỗi loại vật dụng kèm theo đều có những tác dụng riêng biệt. “Trong đó, một quả bóng nhựa lần đầu tiên được trang bị đi kèm với áo phao. Vật dụng này dùng che mặt khi có sóng đập vào; giúp nâng phần đầu người bị nạn không bị chìm. Ngoài ra, sau một thời gian dài ngâm mình trong nước biển, phần da sẽ bị bong tróc. Lúc này, một bộ vớ bằng cao su sẽ giúp cách ly cơ thể nạn nhân với nước biển, tăng khả năng giữ ấm cơ thể và giảm khả năng phát hiện con mồi từ những loài cá ăn thịt nhờ mùi hôi đặc trưng của cao su”, anh Minh cho biết.Hiện tại, áo phao cứu sinh đa năng đã thử nghiệm thành công và bắt đầu được đưa vào ứng dụng tại Bạc Liêu. “Kết quả đánh giá của người dùng về sản phẩm là khá tốt. Nhưng vẫn chưa ứng dụng đại trà bởi giá thành còn cao, khoảng 1,8 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, xác định tính mạng ngư dân là quan trọng nhất, vẫn mong sự chung tay hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm… để sau mỗi chuyến đi biển dài ngày, ngư dân có thể an toàn mang “hoa biển” trở về đất liền”, anh Minh chia sẻ thêm.