Lãnh đạo EVN trao đổi với các sinh viên Việt Nam đi đào tạo điện nguyên tử ở Nga.
3 ngàn tỉ đồng cho đào tạo
Nhu cầu nhân lực cho việc thực hiện chương trình điện hạt nhân từ nay đến 2020 khá lớn, bao gồm: Nguồn nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ kỹ thuật; nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nói riêng; nguồn nhân lực cho các hoạt động giáo dục và đào tạo hạt nhân.
Do tầm quan trọng của vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” và Kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Với tổng kinh phí 3.000 tỷ đồng, đến năm 2020 dự kiến sẽ đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, phục vụ công tác quản lý, ứng dụng và đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; sẵn sàng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân.
EVN chủ động
Theo ông Nguyễn Cường Lâm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân, đặc biệt là khi thời điểm khởi công Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đang cận kề. Vì vậy, EVN đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ GD&ĐT về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân. Theo đó, hằng năm Bộ GD&ĐT phối hợp với EVN và các đơn vị liên quan tuyển sinh cán bộ, sinh viên để cử đi đào tạo thạc sĩ, kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân.
Từ năm 2004 đến nay, EVN đã cử khoảng 172 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại các quốc gia có kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… Đồng thời, trường Đại học Điện lực (thuộc EVN) đã mở thêm chuyên ngành đào tạo điện hạt nhân, phối hợp với các trường, tổ chức quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu chương trình hạt nhân cấp quốc gia từ nay đến năm 2020, theo ông Yanko Yanev – Trưởng bộ phận quản lý tri thức hạt nhân của IAEA, Việt Nam cần có chính sách cụ thể hơn nữa đối với việc lựa chọn và ưu đãi nhân tài. “Việt Nam cần phải tính tới việc đào tạo những công nhân có kiến thức đầy đủ về lĩnh vực hạt nhân. Không thể thực hiện được chương trình hạt nhân nếu không có quản lý tri thức ngay từ giai đoạn đầu tiên cho đến suốt quá trình thực hiện chương trình điện hạt nhân”, ông Yanko Yanev khẳng định.
Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”:
- Thực hiện: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với IAEA.
- Vốn đầu tư: 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và 1.000 tỷ đồng do EVN đầu tư.
- Dự kiến đến năm 2020:
+ Nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân: 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ
+ Nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh: 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ.
+ Nhân lực làm công tác giảng dạy trong cơ sở đào tạo ngành hạt nhân: 100 thạc sĩ và tiến sĩ.
+ 500 lượt các nhà quản lý, nhà khoa học ngành kỹ thuật hạt nhân đi khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.
Theo EVN