Anh Ngô Minh Thạch (đứng) cùng đồng nghiệp bàn công việc sao cho tiết kiệm chi phí nhất - Ảnh: K.ANH
Anh đã được Thành đoàn TP.HCM trao tặng giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2011 dành cho những người trẻ tiêu biểu trong khối công nhân lao động.
Làm ở phòng kỹ thuật của đơn vị, nhiều lần anh Thạch trăn trở và tự mày mò tìm hiểu hệ thống phần mềm do đơn vị thuê bên ngoài viết và lắp đặt. Anh muốn sau thời gian bảo trì, đơn vị mình phải làm chủ được công nghệ. Khi đã nắm được công nghệ, anh Thạch tích hợp phần mềm nhận diện biển số xe để hỗ trợ nhân viên thu phí thao tác nhanh, chính xác hơn.
Bình thường khi xe đến trạm thu phí, nhân viên phải nhận biết nhanh chóng xe loại nào, tải trọng bao nhiêu... để bán vé cho xe qua trạm. Từ khi có “mắt thần”, chỉ cần xe đi qua trạm một lần, thông tin sẽ được nhân viên cập nhật vào hệ thống lưu trữ; khi xe qua lần thứ hai, màn hình vi tính ở trạm thu phí sẽ hiện rõ số liệu về chiếc xe đó nhờ vào phần mềm nhận diện biển số xe.
“Đơn vị mình có bốn trạm thu phí với 22 làn xe, bình quân mỗi ngày có hơn 30.000 lượt xe qua lại. Có nhiều xe rất khó nhận biết tải trọng, làm khó cho nhân viên. Nhờ ứng dụng phần mềm, nhân viên xử lý thông tin nhanh thì hiệu quả công việc cũng tăng lên. Không chỉ hỗ trợ những nhân viên làm trực tiếp tại trạm thu phí mà phần mềm cũng hỗ trợ khâu hậu kiểm khá tốt”- anh Thạch cho biết.
Ngoài sáng kiến “mắt thần”, anh Thạch còn cùng anh em phòng kỹ thuật tái sử dụng và thiết kế bảng quang báo lắp đặt tại các trạm thu phí gọn hơn, phù hợp với tầm nhìn của mọi người. Tính chi phí nếu thuê bên ngoài làm sẽ tốn của đơn vị hàng trăm triệu đồng.
Các thanh chắn của trạm thu phí liên tục bị hư do xe va chạm vào, mua mới phải tốn 3 triệu đồng/thanh. Anh Thạch vận động mọi người xắn tay thực hiện công trình chế tạo thanh chắn. Sau khi nghiên cứu và chọn đơn vị đúc khuôn, tự sản xuất, giá thành chỉ còn 650.000 đồng/ thanh. Ngoài phục vụ đơn vị, hàng sản xuất ra còn cung cấp cho các đơn vị khác với giá thành mềm hơn thị trường.
Là dân công nghệ thông tin tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, nhưng khi đi làm anh Thạch kiêm luôn “bách hóa tự động”, nghĩa là lĩnh vực điện, tự động hóa cũng phải tìm hiểu để phục vụ tốt hơn cho công việc. “Mình lên mạng tìm chuyên gia tư vấn giúp. Nếu nói học theo Bác tinh thần học tập thì to tát, nhưng mình tự dặn phải luôn cố gắng tìm tòi vươn lên thì mọi việc sẽ tới đích”- anh Thạch bày tỏ.
Theo Hiendaihoa