Xe dài 2m, cao 1,5m và rộng 1,2m, trọng lượng 400kg, tải trọng 200kg. Bộ khung là ống sắt uốn, thân và trần xe ghép bằng các tấm nhựa alu rẻ nhưng khá bền. 4 bánh là của xe tay ga Spacy cũ. Hai bánh trước có phanh đĩa, hai bánh sau phanh bố và có một phanh điện hỗ trợ thêm. Phuộc sau chính là phuộc của xe máy Sirius, phuộc trước của xe tay ga Attila.
Chiếc ôtô điện tự chế độc đáo của Việt
Hai ghế xe được Việt tận dụng từ ghế văn phòng đã qua sử dụng. Chiếc vô lăng xe hiệu Huyndai lâu đời. Truyền động của vô lăng bằng 2 sợi xích xe máy cho an toàn. Đèn pha mua từ đèn pha xe máy cũ bán trên thị trường. Chân ga, chân phanh lấy từ chân số và chân phanh cũng của xe máy. Bộ sạc cho chân ga giá 1 triệu đồng cũng không phải là đồ mới.
Kính chắn gió trước chế từ tấm kính chịu lực mà một gara định vứt vì bị bể vài chỗ. Khi Việt đến xin, chủ gara còn thấy mừng.
Mô-tơ truyền động của xe lấy từ hai chiếc xe máy điện, cho xe khả năng đạt vận tốc tối đa 40km/h (có thể nâng vận tốc nếu thêm động cơ). Việt cho biết, điều đặc biệt ở chiếc xe ôtô điện của mình là không có bộ vi-sai để truyền chuyển động ở các bánh xe mà lắp luôn 2 mô-tơ DC ở 2 bánh sau để truyền động độc lập cho bánh xe. Việc này giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo xe vận hành tốt.
4 bình ắc-quy lắp ở sau ghế cho xe khả năng chạy quãng đường tối đa 100km, sau đó sạc lại đúng 5 tiếng là có thể chạy tiếp
Phần nặng tiền nhất là bộ ắc-quy cung cấp điện vận hành xe. Phải cần đến 4 ắc-quy loại 100A 12 Volt, tong trị giá 4 triệu đồng (đây là mức giá hữu nghị do anh em bạn bè nhượng lại, trong khi giá thị trường là khoảng 10 triệu đồng/4 ắc-quy). Khi lên dốc, xe chạy khá trơn tru.
Chỉ với 15 triệu đồng kiếm được từ việc đi dạy kèm môn Lý, Việt mất ròng rã một năm để tìm tòi, lắp ráp, cuối cùng có được chiếc xe chạy điện như hôm nay. Bố mẹ làm giáo viên ở quê Phú Lộc, TT-Huế, luôn ủng hộ tinh thần ham tìm tòi khám phá, và ý tưởng làm đủ thứ đồ điện tử lạ của con.
Các thầy cô ở Khoa Vật lý của Đại học Khoa học Huế cho biết tuy không phải là một sáng chế mới, nhưng việc Việt kỳ công ráp các đồ cũ để tạo nên một chiếc xe chạy điện hoàn chỉnh là điều mà không nhiều sinh viên làm được.
Mùa hè này, Việt sẽ tốt nghiệp ra trường. Chàng sinh viên nhiều hòai bão đang ấp ủ mong muốn có thể cùng chiếc xe điện của mình, nếu được cấp phép lưu hành, sẽ rong ruổi trên đất nước Việt Nam và qua các nước láng giềng như Campuchia, Lào để tuyên truyền bảo vệ môi trường - sử dụng đồ phế thải.
( Theo Dân Trí )