Sơ đồ phối cảnh nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam
Mặc dù là cuộc gặp gỡ báo chí và các cơ quan truyền thông nhằm giới thiệu về Triển lãm quốc tế điện hạt nhân 2012 sẽ được khai mạc vào ngày hôm sau (25/10), tuy nhiên, hầu hết các câu hỏi mà các phóng viên đặt ra cho ban tổ chức lại không mấy tập trung vào cuộc triển lãm. Vấn đề được quan tâm và được nhiều người đặt câu hỏi nhất vẫn là an toàn và nguồn nhân lực cho điện hạt nhân ở Việt Nam, mà cụ thể là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong tương lai.
An toàn vẫn ‘nóng’
Sau sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 3 năm 2011, ngành điện hạt nhân thế giới có những biến động lớn. Ngoại trừ Nhật, các quốc gia như Đức, Thụy Sỹ,… đều có kế hoạch đóng cửa một bộ phận hoặc toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân. Điều này một lần nữa lại làm rộ lên những lo lắng về vấn đề an toàn điện hạt nhân ở Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ hạt nhân (VARANS) cho hay: “Theo báo cáo của giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại hội nghị đại hội đồng IAEA hồi tháng 9 vừa qua thì 18 tháng sau thảm họa Fukushima điện hạt nhân thế giới vẫn đang phát triển theo xu hướng đi lên”. Nguyên nhân, theo giải thích của ông Tấn, là do bối cảnh chung là chúng ta “vẫn chưa tìm được nguồn năng lượng thay thế cho điện hạt nhân”.
Ông Tấn cũng cho biết, sự cố xảy ra ở Fukushima là một bài học kinh nghiệm đáng quý và sau sự cố này, IAEA đang có một chương trình hành động nhằm nâng cao độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm cả những tiêu chí mới về an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Ông Tấn khẳng định, khi tiến hành xây dựng các văn bản pháp quy cho ngành điện hạt nhân ở Việt Nam, chúng ta sẽ bổ sung những yêu cầu hay tiêu chuẩn mới về vấn đề an toàn hậu Fukushima.
Trên thực tế, đảm bảo an toàn và an ninh đối với điện hạt nhân luôn là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra đối với các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam. Ông Trần Trí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cũng khẳng định: “Sau sự cố Fukushima tại Nhật, vấn đề an toàn càng trở thành một vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất với chúng ta là lựa chọn công nghệ.“
“Chúng tôi cũng đang tìm hiểu và lựa chọn loại công nghệ an mới và an toàn nhất cho dự án điện hạt nhân của nước ta”, ông Thành cho biết. Cũng theo vị Viện trưởng của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, công nghệ và thiết kế của thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới đều rất an toàn, thậm chí trong cả trường hợp rủi ro, chúng vẫn đảm bảo phóng xạ không bị rò rỉ ra ngoài môi trường.
Nhân lực là vấn đề cấp bách
Bênh cạnh những lo lắng về an toàn thì nguồn nhân lực có kỹ thuật và kỷ luật cao đáp ứng đủ cho những đòi hỏi của việc tiếp nhận và vận hành nhà máy điện hạt nhân trong quá trình xây dựng và sử dụng cũng là một trong những lý do khiến các “xu hướng không đồng thuận” tồn tại. Đặc biệt là khi tình hình đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân ở Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn.
Về vấn đề này, ông Vương Hữu Tấn cho biết, hiện nay, chúng ta đang tích cực triển khai Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” đã được Chính phủ phê duyệt từ 18/8/2010.
Theo mục tiêu của đề án này, tới năm 2020, khi chúng ta vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, sẽ có 2.200 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân. Trong số đó sẽ có 200 người tốt nghiệp tại nước ngoài, 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành này, trong đó 150 người đào tạo ở các nước có ngành điện hạt nhân phát triển.
Ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân.
“Các trường đại học đã bắt đầu đầu tư triển khai cơ sở hạ tầng cho việc đào tạo. Các cơ quan thuộc Bộ Khoa học Công nghệ cũng đang xây dựng kế hoạch đào tạo. Trong năm 2012 vừa qua cũng đã gửi một số đoàn sang đào tạo ở nước ngoài”, ông Tấn cho biết. Tuy nhiên, ông Tấn cũng khẳng định, so với mong muốn và nhu cầu chúng ta vẫn cần đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu.
Với tư cách là đại diện của chủ đầu tư, ông Phan Minh Tuấn, phó Trưởng ban QLDA ĐHN Ninh Thuận khẳng định, hiện tại, đào tạo nguồn nhân lực đang là một thử thách lớn đối với chúng ta trong cả vấn đề chất lượng đầu vào gửi đi đào tạo ở nước ngoài cũng như cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo trong nước. Ông Tuấn cho rằng, cách giải quyết vấn đề này chính là sớm công bố những chế độ đãi ngộ đối với những người làm việc trong ngành điện hạt nhân, tạo ra viễn cảnh nghề nghiệp tốt để thu hút những người có năng lực theo đuổi ngành năng lượng hạt nhân.
(theo: Vietnamnet)