Đây là một phát minh mang lại tia hy vọng về một cuộc sống bình thường cho những người bị bại liệt trên toàn thế giới.
Cánh tay robot nói trên do nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Y Pittsburgh (Mỹ) phát triển, có khả năng xoay theo bảy hướng khác nhau và thực hiện được nhiều động tác cử động thông thường.
Với cánh tay robot được điều khiển bằng ý nghĩ, một người bị bại liệt toàn thân như bà Jan Scheuermann giờ đây đã có thể tự ăn uống như người bình thường.
Cánh tay robot mà bà Scheuermann đang điều khiển được gọi là giao diện điện toán-não bộ (BCI), vốn là một thuật toán máy tính cho phép chuyển sóng não thành câu lệnh chính xác.
Sau khi đã thí nghiệm thành công trên khỉ, các nhà nghiên cứu chuyển sang cấy ghép hai thiết bị vi điện cực vào phần vỏ não trái điều khiển các cử động của bà Scheurmann.
Nhóm nghiên cứu đã dùng một kỹ thuật quét não trực tiếp, được gọi là chụp cộng hưởng từ (MRI), để tìm ra chính xác phần não có phản ứng sau khi nữ bệnh nhân bị bại liệt được yêu cầu nghĩ đến việc cử động cánh tay.
Hai thiết bị vi điện cực được kết nối với cánh tay robot thông qua một máy tính.
Hệ thống máy tính sau đó sẽ cho chạy một thuật toán phức tạp để chuyển sóng não thành câu lệnh cho cánh tay robot. Thuật toán này mô phỏng theo cách bộ não điều khiển cơ thể.
Đây là một bước tiến đáng kể cho lĩnh vực chế tạo tay chân giả được điều khiển trực tiếp bằng não, theo đánh giá của tiến sĩ Mike Boninger, Chủ tịch Viện UPMC (Mỹ), chuyên phục hồi chấn thương não và cột sống.
Trong tương lai, công nghệ mới nói trên có thể sánh ngang với phát minh về khung xương robot giúp người bại liệt đi lại, tiến sĩ Boninger nhận định.
(Theo: thanh niên)