Ông Trần Quốc Lẫm – Phó TGĐ NPT kiểm tra, chỉ đạo đóng điện TBA 500 kV Hiệp Hòa
Cho đến thời điểm này, TBA 500 kV Hiệp Hòa là trạm lớn nhất Việt Nam về công suất và quy mô. Khởi công ngày 03/3/2010, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về huy động vốn, giải phóng mặt bằng cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa lạnh kéo dài, tập thể CBCNV Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT), các đơn vị thi công và Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã ngày đêm bám sát công trường hoàn thiện các hạng mục công trình từ bốc dỡ phần lớp đất thực vật, san ủi mặt bằng, thi công hàng nghìn móng trụ, lặp đặt trụ, thiết bị…
Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa được lắp đặt 02 máy biến áp 500 kV có tổng dung lượng 1.800 MVA và các thiết bị phân phối 500 kV, 220 kV, 35 kV. Trước mắt, Ban AMT triển khai lắp đặt 03/09 ngăn đường dây 500 kV (Sơn La 1, 2, Quảng Ninh 1) và 02 ngăn MBA. Phía 220 kV có sơ đồ 2 hệ thống thanh cái có thanh cái vòng với 16 ngăn và lắp đặt thiết bị cho 10 ngăn đường dây. Xây dựng 3 nhánh đường dây 220 kV đấu nối vào trạm.
Công nhân vận hành TBA 500 kV Hiệp Hòa thao tác đóng điện bằng hệ thống điều khiển tích hợp từ máy tính.
Theo Quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025, thì Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và các nhà máy phụ cận được xem là trung tâm thủy điện của các tỉnh khu vực Tây Bắc với tổng công suất đặt khoảng 6.540 MW. Việc sớm hoàn thành đóng điện trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa có ý nghĩa vô cùng lớn để truyền tải cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước nói chung, của Hà Nội và các vùng phụ cận nói riêng.
Đây là công trình được Ban AMT đăng ký gắn biển công trình chào mừng 57 năm ngày truyền thống ngành Điện Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2011).
Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa:
Diện tích: Gần 17 ha;
Địa điểm: Nằm trên địa bàn 3 xã thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang;
Chủ đầu tư: Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT);
Quản lý dự án: Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT);
Thiết kế: Công ty cổ phần Tư vấn điện 1;
Thi công: Liên doanh nhà thầu Công ty Xây lắp điện 1, 4;
Tổng mức đầu tư: 1.221 tỷ đồng;
Sau khi hoàn thành công trình sẽ được bàn giao cho Truyền tải điện Thái Nguyên (PTC1) quản lý vận hành.
Theo Evn