Ericsson phối hợp với Cục Tần số Vô tuyến điện thử nghiệm công nghệ LTE tại Hà Nội.
Trước đó, Bộ TT&TT đã đồng ý cho VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC và VTC được thử nghiệm mạng di động công nghệ LTE. Thời gian thử nghiệm là 1 năm.
Theo Luật Viễn thông, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số để lấy giấy phép này. Sau khi đấu giá, các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng tần số nếu muốn. Việc đấu giá tần số là nhằm tránh tình trạng xin giấy phép để “giữ chỗ”.
Ngày 10/10/2010, VNPT đã tuyên bố hoàn thành trạm BTS theo công nghệ LTE đầu tiên đặt tại tòa nhà Internet, lô 2A, làng Quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội với tốc độ truy cập Internet có thể lên đến 60 Mbps. Giai đoạn 1 dự án thử nghiệm cung cấp dịch vụ vô tuyến băng rộng công nghệ LTE của VNPT sẽ được VDC triển khai với 15 trạm BTS tại Hà Nội, bán kính phủ sóng mỗi trạm khoảng 1km.
Về phía Viettel, tập đoàn này cũng cho biết, sẽ phối hợp với Huawei tiến hành lắp đặt, tích hợp thiết bị LTE tại quận Tân Bình, TP.HCM. Trước đó, Viettel cũng đã tiến hành thử nghiệm ở Hà Nội. Ngoài VNPT, Viettel và FPT Telecom thì hiện chưa có doanh nghiệp nào đưa ra tuyên bố về việc thử nghiệm của mình.
Giới chuyên môn cho rằng, việc thử nghiệm LTE tại thời điểm này không thực sự quan trọng bởi công nghệ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và quá ít thiết bị đầu cuối cho 4G. Hơn nữa, thị trường Việt Nam không phải là “con chim đầu đàn” để triển khai các công nghệ mới. Cũng theo giới chuyên môn, từ khi Việt Nam bắt đầu thử nghiệm công nghệ 3G đến khi chính thức thương mại hóa đã mất tới 6 năm. Vì vậy, một vài năm tới sẽ không phải là thời điểm thích hợp để triển khai công nghệ này.
Bộ TT&TT cho biết sắp tới Bộ sẽ tiến hành tổng kết 1 năm cấp phép triển khai dịch vụ di động 3G. Việc tổng kết này sẽ tập trung đánh giá hiệu quả và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai mạng 3G. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ TT&TT để tiến hành cấp phép 4G trong thời gian tới.
Trên thế giới, mạng LTE triển khai thương mại đầu tiên là TeliaSonera. Trong năm 2010, TeliaSonera triển khai mạng 4G tại 25 thành phố thuộc Thụy Điển và 4 thành phố thuộc Na Uy. Telia có những gói cước riêng đáp ứng đa dạng cho từng nhóm khách hàng, dao động từ 5USD tới 80USD. Ví dụ với gói cước 25USD/tháng người sử dụng sẽ có mức tốc độ 2Mbps, lượng dữ liệu sử dụng tối đa là 5GB, đã bao gồm một modem USB. Với mức 80USD/tháng, người sử dụng sẽ có tốc độ 40Mbps, lượng dữ liệu 30GB kèm theo modem USB. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất di động toàn cầu GSA, tới giữa năm 2010, thế giới đã có 80 nhà mạng tại 33 quốc gia cam kết phát triển lên LTE, trong đó có 21 nhà mạng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại Đông Nam Á đã có M1, SingTel và StarHub đều ở Singapore triển khai LTE.
Theo ICTnews