3CElectricTin tứcTin tức liên quanEVN: Thiếu vốn, giá bán thấp là nguyên nhân thiếu điện



Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị, Chính phủ cần sớm chỉ đạo các bộ ngành hỗ trợ EVN sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế.

Theo ông Thanh, phương án phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 1 tỷ USD vẫn chưa được Bộ Tài Chính phê duyệt. "Trước đó, tập đoàn đã làm việc một số ngân hàng, họ có thể đứng ra làm đầu mối nhưng cần phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính", ông Thanh nói.

alt

Ảnh minh họa (IE)

Đồng thời, do nguồn vốn đầu tư các dự án điện trong giai đoạn tới rất lớn, EVN kiến nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiêu bố trí nguồn vốn ODA các dự án điện. Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo phép các ngân hàng thương mại được phép cho EVN vay vượt 15% vốn tự có.

Mặc dù quan ngại uy tín tài chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi hãng Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm một số tập đoàn, song ông Thành cho hay, tùy thời điểm thị trường, EVN sẽ tiến hành phát hành trái phiếu quốc tế. "Trước mắt phương án phát hành trái phiếu quốc tế cần được Bộ Tài chính phê duyệt", ông Thành nói.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí (PVN) cũng đã có kế hoạch gọi vốn trên thị trường trái phiếu quốc tế trong năm 2010, với mức chào bán từ 500 triệu đến 1 tỉ đôla Mỹ. Tuy nhiên, hai đơn vị này đã xin tạm hoãn việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế chờ thời điểm thích hợp.

Ông Thành, cũng cho biết, thiếu vốn đang là một bài toán nan giải của ngành điện trong năm 2011. Khi mà, tập đoàn tiếp tục phải sản xuất và mua điện từ các nguồn có giá cao, trong khi giá bán điện chưa được điều chỉnh, thì đó sẽ là một sức ép rất lớn cho hoạt động tài chính của Tập đoàn.

Giai đoạn năm 2011-2015, EVN cần lên tới 150.000 tỷ đồng, trong khi nợ đã lên tới 46.000 tỷ đồng. Cũng vì thiếu vốn, EVN đang gặp trở ngại trong việc huy động sản lượng các nguồn điện chạy dầu DO, FO giá cao để đáp ứng nhu cầu điện cho năm 2011. Dự kiến năm 2011,  EVN cần tới 54.000 tỷ đồng chạy điện bằng nguồn dầu nhưng phía ngân hàng lại không mặn mà cho vay.

Giá điện là bài toán căn cơ nhất để giải quyết lâu dài cơn khốn khó của ngành điện. Song trong năm 2011, dù chưa biết giá điện sẽ được điều chỉnh tăng lên bao nhiêu, nhưng một mối lo lớn nhất đã dần hiện hữu rõ nét: Đó là thiếu điện có thể còn trầm trọng hơn cả năm nay.

Năm 2011, EVN phải lo sản lượng điện là 112,6 tỷ kWh nhưng bên cạnh đó, các hồ sẽ phải lo phục vụ tưới tiêu cho 627 nghìn ha đất trồng của khu vực Bắc Bộ. Do đó, sau khi xả đổ ải xong, các hồ thủy điện ở miền Bắc sẽ về mực nước chết và sẽ thiếu công suất.

Trong điều kiện thiếu nước các hồ thủy điện như vậy, nếu các nguồn nhiệt điện, tua bin khí, nhất là các nhà máy nhiệt điện than mới bị sự cố hoặc vận hành không ổn định thì tình hình cung ứng điện các tháng mùa khô 2011 sẽ căng thẳng hơn. Đến ngày 31/12/2010, theo thống kê của EVN, tổng lượng nước thiếu để tích đầy các hồ thủy điện lên tới 12 tỷ m3, tương đương sản lượng thủy điện thiếu hụt sẽ là khoảng 3 tỷ kWh.

“Tập đoàn sẽ phải đầu tư với tổng số tiền 65,8 nghìn tỷ đồng và đưa vào vận hành 11 tổ máy với tổng công suất 2.189 MW trong năm nay. Nếu không làm được như vậy, những năm 2014-2015 sẽ vào giai đoạn thiếu điện trầm trọng nữa”, Tổng Giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh nhấn mạnh.

 

Thuận Hải (tổng hợp)