Theo ông Thanh, năm 2010, EVN phải đương đầu với nhiều thách thức như: Thiên tai hạn hán, thiếu vốn, một số nguồn nhiệt điện than mới ở miền Bắc bị sự cố, đường dây 500kV Bắc- Nam liên tục phải truyền tải cao; Giá bán điện chưa hợp lý ảnh hưởng lớn đến cân đối tài chính... Tuy nhiên, toàn Tập đoàn đã hết sức nỗ lực đảm bảo cung cấp điện đáp ứng phát triển kinh tế- xã hội.
Ảnh minh họa: Internet
Những con số ấn tượng
Theo báo cáo của EVN, ngay từ cuối năm 2009, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực như: chủ động tích nước; huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện; mua tối đa điện từ Trung Quốc; tập trung vốn đầu tư để sớm hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nguồn và lưới điện đồng bộ, đưa tổng công suất nguồn điện trên hệ thống lên 18.446MW. Thực hiện đầu tư xây dựng với tổng vốn là 59.428 tỷ đồng đạt 101,4% so kế hoạch và tăng 24,5% so với năm 2009. Khởi công 5 dự án nguồn điện có tổng công suất 4.356MW gồm: Nhiệt điện Nghi Sơn, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và Thủy điện Sông Bung 4, Lai Châu; hoàn thành đóng điện 131 công trình lưới điện truyền tải với tổng chiều dài 1.486km và tổng công suất trạm biến áp 9.137MVA, trong đó, có các công trình trọng điểm như: đường dây 500kV Sơn La- Hòa Bình- Nho Quan; các đường dây 220kV đấu nối các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Srêpok 3&4, Sông Tranh 2, An Khê, Đồng Nai 3 &4; hoàn thành các dự án đảm bảo cấp điện cho Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nhờ đó, năm 2010, điện sản xuất và mua ngoài của EVN đạt 97,25 tỷ kWh, tăng 14,73% so với 2009, vượt 3,87 tỷ kWh so với kế hoạch.
EVN đã cung cấp được 85,6 tỷ kWh điện thương phẩm, tăng 14,41%. Hoàn thành dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên; triển khai dự án cấp điện cho đồng bào Khmer ở 3 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu; phê duyệt dự án cấp điện các hộ đồng bào nghèo của 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển cấp điện cho đảo Phú Quốc. Bên cạnh đó, chương trình tiết kiệm điện tiếp tục được đẩy mạnh với trên 21.500 bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời; bán và cấp đổi được 2,49 triệu đèn compact; tiết kiệm được 1.189 triệu kWh, bằng 1,38% điện thương phẩm, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,0%. Hoàn thành chương trình tiếp nhận điện nông thôn với 100% số huyện; 98,4% số xã và 95,86% hộ dân nông thôn có điện, vượt 5,86% so với chỉ tiêu.
Theo đánh giá chung, năm 2010, Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước giao, bảo đảm cung cấp điện với tốc độ tăng trưởng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi và bảo toàn phát triển vốn nhà nước. Đó là những kết quả rất đáng trân trọng, thể hiện sự nỗ lực của CBCNV tập đoàn.
Gánh nặng vốn đầu tư
Dự báo năm 2011, nhu cầu tăng trưởng hệ thống điện lên tới 17,63%, đặc biệt mùa khô dự kiến tăng 18,3%. Để cân đối cung cầu điện, EVN sẽ tiếp tục tập trung vào 3 mục tiêu lớn là: Phấn đấu cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tiến độ đầu tư các công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VI; Nhanh chóng ổn định và duy trì phát triển các lĩnh vực hoạt động theo mô hình tổ chức mới.
Cụ thể, EVN phấn đấu sản xuất và mua 112,6 tỷ kWh điện (tăng 15,78%), cung ứng 98,53 tỷ kWh, tăng 15,11%. Tiếp tục thực hiện mục tiêu tiết kiệm 1% điện thương phẩm; đưa vào vận hành 12 tổ máy với tổng công suất 2.198MW và lưới điện đồng bộ. Tập trung đầu tư xây dựng với khối lượng đầu tư 65.875 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2010. Đưa vào vận hành 12 tổ máy với tổng công suất 2.198 MW; Thực hiện khởi công: 5 dự án tổng công suất 3.830 MW, gồm: các dự án NĐ Mông Dương 1 (2x500 MW), Duyên Hải 3 (2x600 MW), Vĩnh Tân 2 MR (2x600 MW), Ô Môn I – TM2 (330MW) và TĐ Sông Bung 2 (2x50 MW). Đưa vào vận hành các dự án lưới điện; thi công dự án cấp điện cho đồng bào Khmer ở 3 tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh và Sóc Trăng, dự án cấp điện cho các hộ đồng bào nghèo của 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên; Thi công dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển cấp điện cho đảo Phú Quốc.
Ông Đào Văn Hưng- Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN- cho biết, hiện nay, mức nước các hồ thủy điện thiếu hụt nghiêm trọng tới 12 tỷ m3, tương đương sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh. Bên cạnh đó, nhiều nguồn nhiệt điện, tua bin khí mới vào hoạt động thường bị sự cố hoặc vận hành không ổn định. Vì vậy, cung ứng điện các tháng mùa khô 2011 sẽ vô cùng khó khăn.
Theo ông Hưng, khó khăn nhất của EVN là vấn đề vốn. Dự báo, mùa khô 2011 sẽ có tới 4-6 tỷ kWh phải phát điện giá cao chạy dầu DO, FO (tiền bù lỗ lên tới khoảng 20 nghìn tỷ đồng). Đây là những vấn đề báo động trong cân bằng thu chi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là khó khăn về huy động vốn cho các dự án nguồn và lưới điện, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, sự bất cập về cơ chế giá điện cũng chưa hấp dẫn các nhà đầu tư…
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để tháo gỡ khó khăn, EVN đề ra các nhóm giải pháp đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt. Trước mắt, EVN thực hiện điều tiết hợp lý mức nước các hồ thủy điện để vừa đảm bảo phát điện đến cuối mùa khô vừa phục vụ nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp; đảm bảo tiến độ sửa chữa các nguồn điện; chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện cho mùa khô và cả năm 2011 để có kế hoạch ứng phó chủ động; Vận hành an toàn và truyền tải cao đường dây 500 kV Bắc - Nam, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và rút ngắn thời gian xử lý sự cố; đẩy nhanh tiến độ và vận hành ổn định các nhà máy mới đặc biệt các nhà máy nhiệt điện than. Bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy hiện có để đảm bảo độ sẵn sàng cao hơn trong các tháng mùa khô 2011. Tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện. Huy động tối đa nhiệt than, tua bin khí. Thực hiện tốt chương trình tiết kiệm điện năm 2011
Bên cạnh đó, EVN cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cân đối tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Tập trung lắp đặt công tơ điện tử, áp giá bán điện đúng đối tượng. Chấn chỉnh công tác điều hành cung ứng điện. Nâng cao hiệu quả kinh doanh viễn thông...
Cùng với sự nỗ lực tự chủ, EVN kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính một cách bền vững, huy động được nguồn vốn cho đầu tư. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định thực hiện cơ chế giá điện theo thị trường và Đề án giá điện năm 2011. Tạo điều kiện cho Tập đoàn hoàn thành đàm phán và ký kết các khoản vay thương mại, ưu đãi trong và ngoài nước đối với các dự án do EVN đầu tư. Đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt cơ chế giá điện theo thị trường và đề án giá điện năm 2011.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của CBCNVC EVN trong việc đảm bảo cung ứng điện năm qua. Bộ trưởng nhấn mạnh: Năm 2011 sẽ còn nhiều gian nan thử thách. Để tiếp tục tăng trưởng trong khó khăn, EVN phải hết sức cố gắng thực hiện các giải pháp đảm bảo tăng trưởng sản lượng 17,3% để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của đời sống kinh tế xã hội nhằm đảm bảo tăng trưởng GDP 7-7,5%, tăng trưởng sản xuất công nghiệp 14,8%. Bên cạnh việc huy động tối đa công suất nguồn điện, EVN phải tăng cường tuyên truyền và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, đưa ra phương án cung ứng địên phù hợp để khắc phục được khó khăn thiếu địên trong năm 2011.
(Theo baocongthuong.com.vn)