Ngày 15/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Theo đó, khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá điện liên tiếp tối thiểu là 3 tháng, thay vì chỉ điều chỉnh mỗi năm một lần như hiện nay.
1/3 vừa qua, giá bán lẻ điện cũng vừa có đợt điều chỉnh với mức tăng bình quân 15,28%. Ảnh: Hoàng Hà.
Việc tăng hoặc giảm giá cần phải thực hiện công khai minh bạch. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá điện và các biện pháo khác để giảm thiểu tác động đến kinh tế xã hội và đời sống người tiêu dùng...
Theo quyết định của Thủ tướng, việc điều chỉnh giá điện phải được căn cứ trên cơ sở chi phí đầu vào, nhiên liệu, tỷ giá tại thời điểm tính toán biến động... để xác định giá bán lẻ hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi. Nếu chi phí đầu vào khiến cơ cấu giá thành giảm từ 5% trở lên so với giá hiện hành, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) quyết định điều chỉnh giá tương ứng và có thông báo cho Liên bộ Tài chính - Công Thương biết.
Đối với trường hợp chi phí đầu vào tăng 5%, EVN được điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng, sau khi đăng ký với Bộ Công Thương và được chấp thuận.
Nếu chi phí tăng trên 5%, EVN cần báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính thẩm định. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được tờ trình của EVN, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến của mình. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp và trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương trình Thủ tướng mà chưa có ý kiến trả lời, EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.
Quyết định số 24 của Thủ tướng cũng cho phép thành lập quỹ bình ổn giá bán điện. Nguồn hình thành quỹ được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện...
Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/6/2011.
Theo : vnexpress.net