Theo đó, trên cơ sở các phương án điều chỉnh tăng, giảm đối với các loại điện thương phẩm phục vụ cho sinh hoạt, điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp, kinh doanh… do Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) xây dựng, Bộ Tài chính sẽ tiến hành đánh giá tác động của các phương án giá điện tới nền kinh tế cũng như sức chịu đựng của các nhóm ngành sản xuất có đầu vào sử dụng điện lớn.
Được biết, do đang trong quá trình thẩm định nên các mức tăng, giảm, thời điểm áp dụng… vẫn chưa được tiết lộ. Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, do điện là mặt hàng nhạy cảm, có liên quan tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề nên cần phải được tính toán thận trọng, tránh những tác động tiêu cực cho cả nền kinh tế cũng như người tiêu dùng.
Trước đó, vào cuối năm 2010, trao đổi với VnEconomy, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, trong năm 2011, giá một số mặt hàng như điện, than… sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.
Cùng với đó, Cơ quan này cũng gấp rút hoàn tất đề án giá theo cơ chế thị trường đối với nhiều mặt hàng thiết yếu, trong đó có đề xuất các cấp, ngành cần chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu vào thời điểm hợp lý và phải được gắn với hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ hoàn chỉnh, giảm chi phí sản xuất và giá thành và cơ chế trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, đối tượng chính sách...
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, các phương án điều chỉnh giá điện trong năm nay đã được tập đoàn trình Bộ Công Thương từ giữa năm 2010, trong đó nguyên nhân chủ yếu của việc điều chỉnh vẫn là do giá cả biến động và những khó khăn từ các khâu trong quá trình sản xuất và cung ứng điện.
Ngay cuối tuần qua, Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cũng đã khẳng định với VnEconomy, các phương án tăng giá bao nhiêu sẽ do Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng khác quyết định. Riêng đối với EVN, nếu tăng giá điện mà đảm bảo đủ điện thì… sẽ tăng ngay.
Giá bán điện sinh hoạt trung bình hiện nay đang là 1.037 đồng/kWh, sau khi đã được điều chỉnh tăng 6,8% vào hồi tháng 3/2010. Vào thời điểm đó, đã có 4 phương án tăng giá điện được đề xuất, trong đó có mức tăng cao nhất là 10,7%.
Với việc chọn mức tăng 6,8%, khi đó lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã “trấn an” dư luận rằng, chọn như vậy để xem sức chịu đựng của nền kinh tế như thế nào, sau đó mới tính tiếp.
(Theo Vneconomy)