Tôi theo dõi tin tức và được biết là vào 10/2011, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký cam kết vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ khoản tín dụng 1 tỉ đô la Mỹ để tài trợ chương trình phát triển các dự án điện gió tại ĐBSCL 5 năm tới, giai đoạn 2011 - 2015.
Và mới đây gần nhất vào ngày 28.03.2012, theo Cổng Thông tin điện tử của TP HCM thì thành phố sẽ khảo sát xây dựng nhà máy điện gió công suất 200MW.
Theo đó, "Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà đã chấp thuận chủ trương cho phép Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý khảo sát khu vực huyện Cần Giờ để lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện gió".
Công ty Công Lý phải có khảo sát cụ thể của dự án về tác động môi trường, cảnh quan và các dự án hiện hữu. Nhà máy điện gió dự kiến được xây dựng trên bãi bồi, dọc theo bờ biển khoảng 10km, lấn ra biển 1,5km để lắp dựng 125 turbine gió có công suất mỗi turbine là 1,6MW. Công suất của nhà máy là 200MW với chi phí đầu tư dự kiến 10 ngàn tỷ đồng và thời gian xây dựng khoảng 4 năm" (trích thông tin từ cổng thông tin điện tử của TP HCM)
Như thế là “gió đã thổi lên rồi”. Từ những cánh quạt gió đầu tiên trên đất liền ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận giờ đây đã đến những cánh đồng cò bay thẳng cánh ở đồng bằng sông Cửu Long của tỉnh Bạc Liêu, rồi ra đến bờ biển huyện Cần Giờ, thị trấn Cần Thạnh, không xa thành phố HCM là mấy!
Nếu chương trình đầu tư này trở thành hiện thực thì một ngày đẹp trời nào đó, khi chúng ta ngồi trên tàu cao tốc, cánh ngầm từ Bà Rịa-Vũng Tàu trước lúc tàu đi vào cửa sông Sài Gòn chúng ta sẽ nhìn thấy một trang trại gió trên bờ biển với sau lưng là cầu Phú Mỹ in trên nền trời xanh!
Cần nhanh chóng lập cột quan trắc
Nhưng để xây dựng được công trình trang trại gió trên biển đầu tiên này, chúng ta có biết bao nhiêu việc phải làm, cần phải có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu, thu thập rất nhiều số liệu chính xác, đáng tin cậy, được cập nhật về khoa học kỹ thuật; về công nghệ, thiết bị dùng để phục vụ khai thác năng lượng ngoài biển khơi v.v…
Sơ bộ có thể nêu những điểm sau đây, được xem là quan trọng trong quá trình xây dựng, lắp đặt và phát triển công trình khai thác năng lượng gió ở cận bờ và ngoài biển:
a.Công tác lắp đặt: nhà đầu tư và cả nhà thầu nên lựa chọn giải pháp có lợi về kinh tế nhất. Có sự kết hợp chặc chẽ giữa nhà đầu tư, nhà thầu và các thầu phụ.
b.Sắp đặt sự vận chuyển tối ưu của tàu và trang thiết bị từ hãng sản xuất, thị trường cung cấp
c.Ứng dụng những thiết bị, qui trình tiên tiến trong ngành công nghiệp ngày nay
Cũng nên lưu ý rằng, các số liệu, thông tin, trữ liệu về:
· khí tượng học (nhiệt độ, tỷ trọng không khí, độ ẩm, áp suất, số liệu về gió …)
· hải dương học (thủy triều, sóng biển, luồn nước ….)
· tính chất đáy biển để xây dựng bệ móng, đặt dây cable điện ngầm dẫn từ ngoài biển vào cũng như trên đất liền ….v...v......
Tất cả những vấn đề này cần thu thập thật đầy đủ và xem xét kết quả ứng dụng để phát triển một công trình điển hình, cụ thể là bờ biển và biển thuộc huyện Cần Giờ.
Theo kinh nghiệm ở một số nước tại châu Âu, chính phủ hoặc chính quyền tại địa phương sẵn sàng cung cấp hoặc bán cho nhà đầu tư những thông tin, số liệu thực tế cần thiết ví dụ như các số liệu về gió, bản đồ hoa thị gió, vận tốc gió, chiều hướng gió, sức gió trung bình hàng năm v.v..; địa lý, địa hình của địa điểm xây dựng công trình v.v...
Nhưng ở tại Việt Nam thì nhà đầu tư phải tự xây dựng những cột quan trắc để thu thập, xác minh, thẩm định lại những số liệu kỹ thuật này trong một thời gian tối thiểu là 12 tháng (tốt nhất là 24 tháng), sau đó được dùng làm số liệu cơ bản cho các phần mềm (software) điều khiển các động cơ điện gió, và để thương lượng hoặc xin tài trợ cho cơ chế sạch (CDM) sau này !
Thiết nghĩ chính quyền thành phố nên hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư ( cụ thể trong đề án Cần Giờ này) bằng cách thúc đẩy, tạo điều kiện để lắp đặt một cột quan trắc cao 80 m trong thời gian sớm nhất - có thể xem đây là một đề tài, đề án do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Song song đó việc thu thập số liệu về tính chất bờ biển, đáy biển, khảo sát địa chất của đáy biển … được kết hợp giữa một nhà thầu với một sở nào đó thuộc quản lý của thành phố ! Nếu có sự hỗ trợ và chuẩn bị tích cực thì đề án này sẽ không phải nằm lâu trên bản vẽ, mà công trình này còn đạt được những điểm sau :
+ thúc đẩy nhanh quá trình triển khai và xây dựng đề án thành hiện thực.
+ theo kịp và đúng với thời gian, qui trình giải ngân trong điều kiện do EximBank thỏa thuận.
+ biến sức gió thành dòng điện sớm ngày nào thì tính kinh tế của đề án càng cao, lợi nhuận cho cả nhà đầu tư và thành phố càng nhiều, càng thuận lợi!
+ đóng góp và tạo một bước đột phá trong công cuộc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai thác năng lượng gió ngoài biển (Offshore Wind Energy).
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện gió Cần Giờ sẽ là dự án thứ 38 trong danh sách của Bộ Công thương , hy vọng nó sớm trở thành hiện thực, để đến năm 2016/2017 TP.HCM chúng ta có trang trại gió ngoài biển đầu tiên! Rất mong những ước vọng ấy không phải chỉ là giấc mơ.
Theo thongtincongnghe