Nguyên nhân chính là do công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành CNĐT Việt Nam còn quá non yếu, năng lực cạnh tranh kém.Ngành CNĐT Việt Nam bắt đầu hình thành từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng thực sự khởi sắc và phát triển mạnh từ sau năm 1994, với sự tham gia của các thành phần kinh tế, cùng với những cơ chế, môi trường hoạt động mới. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, nhiều dự án điện tử lớn với số vốn vài trăm triệu đến vài tỷ USD đã được triển khai tại Việt Nam. Mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Ngành liên tục đạt từ 20 - 30%/năm; giá trị tổng sản lượng CNĐT trong nước năm 2008 đạt 237 tỷ đồng. Sản phẩm CNĐT xuất khẩu chủ yếu là phụ tùng linh kiện, điện tử và máy tính, đã có mặt ở 35 nước trong khu vực và thế giới, với kim ngạch xuất khẩu tăng 16 lần trong vòng 10 năm.
Công nghiệp hỗ trợ yếu kém và mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm
Toàn ngành CNĐT hiện có khoảng 300 doanh nghiệp, trong đó 1/3 là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận của hai thành phố này. Hoạt động chính của CNĐT Việt Nam hiện nay là lắp ráp sản phẩm điện tử gia dụng (ĐTGD), với 67% tổng vốn đầu tư của Ngành (sản xuất linh phụ kiện điện tử chiếm 21,5% và điện tử chuyên dùng 11,5%), dẫn tới mất cân đối cơ cấu sản phẩm ĐTGD và điện tử chuyên dùng (80% và 20%).
Linh phụ kiện điện tử sản xuất trong nước đang ngày càng gia tăng, nhưng kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử rất thấp, bình quân 13%, chủ yếu là bao bì đóng gói với các chi tiết nhựa, kim loại đơn giản. Mặc dù, đã từng có các nhà máy sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử xuất khẩu sang Đông Âu trước những năm 1990, nhưng đến nay, doanh nghiệp Việt Nam hầu như không tham gia vào việc sản xuất vật liệu điện tử. Nguồn cung cấp linh kiện điện tử và các sản phẩm phụ trợ cho CNĐT chủ yếu là từ nhập khẩu và mới chỉ được sản xuất ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, phần lớn là do các doanh nghiệp FDI thực hiện. Bao gồm các sản phẩm chính là mạch in, đèn hình TV (2 triệu chiếc/năm), đế mạch in (8,5 triệu cái/năm), tụ điện các loại, cuộn cao áp, cuộn cảm, cuộn lái tia, các chi tiết nhựa, chi tiết cơ khí cho lắp ráp đèn hình, các loại ăng-ten, các chủng loại bao gói (thùng, xốp chèn)...
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cung cấp được các chi tiết điện tử đặc thù cho CNĐT. Tỷ lệ nội địa hóa của lắp ráp TV trung bình khoảng 40%; các sản phẩm thuộc nhóm gia dụng (máy giặt, tủ lạnh, điều hòa) khoảng 35%; nhóm nghe nhìn khoảng 30%, cá biệt có các sản phẩm gia dụng đạt đến 60 - 70% nội địa hóa ở Việt Nam, như tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ. Dù vậy, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn không thể tìm thấy các linh phụ kiện có giá trị cao ở thị trường nội địa, như linh kiện điện tử, khuôn mẫu, các hoạt động gia công kim khí như định hình, cán, mạ... Công ty Fujitsu Việt Nam là doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng nửa tỷ USD, hiện vẫn phải nhập khẩu 100% linh kiện phụ tùng và nguyên vật liệu từ nước ngoài; Công ty Canon, mặc dù đã đầu tư gần 300 triệu USD xây dựng các nhà máy in rất lớn ở Hà Nội và Bắc Ninh, cũng chỉ tìm được 1 nhà cung cấp linh kiện Việt Nam, còn hơn 30 nhà cung cấp phụ tùng khác là 100% vốn FDI... Đó là những ví dụ sinh động, cho thấy năng lực sản xuất linh kiện điện tử còn rất yếu ở Việt Nam.
Điểm đáng nói là, tuy đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 70% theo số lượng linh kiện, nhưng nếu tính theo giá trị thì chỉ đạt 30%. Dung lượng thị trường nội địa của các sản phẩm ĐTGD dù phát triển khá nhanh, nhưng con số tiêu thụ tuyệt đối vẫn còn nhỏ so với các nước Asean. Sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nội địa khiến nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo có xu hướng ngại đầu tư vào Việt Nam, vì buộc phải nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu, linh phụ kiện.
Mỗi doanh nghiệp phải tự "cứu mình"
Việc chưa quan tâm phát triển CNHT vừa làm mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư FDI, vừa hạn chế sự phát triển khoa học công nghệ, không chỉ riêng ngành CNĐT, mà là tất cả các ngành sản xuất trong nước. Thực trạng này còn dẫn tới nguy cơ là các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất sản phẩm cuối cùng có thể rút khỏi thị trường Việt Nam do không có nguồn cung linh kiện, phụ tùng tại chỗ. Điều này càng đòi hỏi ngành CNHT phải nhanh chóng hình thành và phát triển.
"Muốn làm được như vậy, Chính phủ phải tạo ra môi trường kinh doanh tốt, chính sách phát triển hợp lý, các doanh nghiệp phải thường xuyên cải thiện sản xuất, kỹ thuật, cung cấp những sản phẩm được thị trường chấp nhận”, ông Yonemura Noriyuki, chuyên gia chính sách công nghiệp - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tham vấn.
Để phát triển CNHT trong ngành CNĐT, trước hết, Chính phủ cần xây dựng những kế hoạch trung và dài hạn tổng thể để phát triển đồng bộ ngành CNĐT, trong đó cần có chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển CNHT đủ mạnh.
Vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào CNĐT, nhằm thu hút mọi nguồn lực tài chính; xây dựng cơ chế hoạt động của các tổ chức tài chính để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI sản xuất phụ trợ và các tập đoàn đa quốc gia.
Muốn thu hút những nhà lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao, nhất thiết cần phải có những doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất chi tiết, linh kiện ở trình độ công nghệ cao. Do vậy, chúng ta phải thúc đẩy đổi mới công nghệ với phương án hợp lý, khai thác năng lực nghiên cứu tư vấn - thiết kế hiện có, hoàn thiện môi trường pháp lý cho công tác nghiên cứu, tạo dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển khoa học công nghệ ngành CNĐT. Chúng ta phải xã hội hóa công tác đào tạo, xây dựng các trung tâm đào tạo, các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, khuyến khích áp dụng mô hình đào tạo liên kết 3 nhà (Doanh nghiệp - Viện, trường - Cơ quan quản lý Nhà nước), để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường mở rộng thị trường, bao gồm thị trường trong nước, khu vực và thế giới; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý tiêu thụ sản phẩm, các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa sau bảo hành và cung ứng phụ tùng vật tư được xây dựng đồng bộ và rộng rãi.
CNĐT là ngành có tính chuyên môn hóa và toàn cầu hóa cao. Các dịch vụ sản xuất, linh kiện, phụ tùng, xây dựng và vận hành các dây chuyền lắp ráp, vận chuyển, phân phối sản phẩm như một chuỗi khép kín, mang tính toàn cầu. Do vậy, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam muốn khẳng định vị thế của mình trong khu vực cần phải có một sự chuyển mình thực sự. Ông Trần Quang Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), đã khuyến nghị: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu trên cơ sở ngành CNĐT cần xác định rõ nhưng công đoạn hoặc những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung đầu tư theo chiều sâu thay vì dàn trải như hiện nay. Các doanh nghiệp chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm mà mình có thế mạnh, nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao để có thể tham gia vào hệ thống sản xuất khu vực. Cần chú trọng phát triển sản xuất phụ tùng linh kiện và công nghiệp phụ trợ”.
Bên cạnh nhiều giải pháp, trước hết mỗi doanh nghiệp phải tự cứu mình, tránh tình trạng trông chờ vào Chính phủ, vào “bầu sữa Nhà nước”. Chỉ khi các doanh nghiệp tự tin, tìm hướng phát triển phù hợp với xu hướng chuyên môn hoá và toàn cầu hoá thì khi đó, ngành có lợi thế tiềm năng như CNĐT mới đóng vai trò thực sự trong sự phát triển chung của nền kinh tế của Việt Nam.
(Theo baocongthuong.com.vn)