Trong khi đó, vốn để đầu tư, cải tạo lưới điện nhằm giảm tổn thất đang là vấn đề cực kỳ nan giải.
Vấn đề khó khăn nhất của tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn chốt lại là vốn. Ảnh: Kỳ Anh
Trên 2.000 tỉ đồng chỉ cải tạo tối thiểu
Bắt đầu từ tháng 6.2008, số các xã được TCty Điện lực Miền Bắc (NPC) tiếp nhận đến nay đã lên tới 3.156 xã, với khối lượng trên 3,4 triệu côngtơ các loại, hơn 43.000km đường dây hạ áp. Tổng số hộ dân được NPC bán điện trực tiếp đã lên đến trên 4,2 triệu hộ. Nhưng cũng vì tiếp nhận lưới điện hạ áp, mà chỉ tiêu tổn thất điện năng của NPC năm 2010 tăng 2,6% so với năm 2009. Chỉ tính riêng tổn thất điện năng của khu vực lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận lên đến 19,86%.
TGĐ NPC - ông Nguyễn Phúc Vinh - tỏ ra lo ngại với tình trạng lưới điện mới tiếp nhận hiện tại. “Tổn thất điện năng ở những khu vực này hầu hết đều trên 28-30%. Sau khi tiếp nhận, việc đầu tiên TCty chúng tôi chỉ đạo các Cty điện lực là phải thay thế toàn bộ các côngtơ điện cũ (do trước đó được người dân tự mua các loại côngtơ điện giá rẻ trên thị trường, độ chính xác kém, không được kiểm định) để giảm tổn thất điện năng qua côngtơ. Đến nay, 100% số xã tiếp nhận đã được thay thế côngtơ mới” - ông Vinh cho biết. Tuy nhiên, với mức tổn thất từ gần 30% đưa xuống khoảng 15% thì tính sơ sơ mỗi xã cũng phải đầu tư, cải tạo tối thiểu khoảng 3-4 tỉ đồng/xã.
Với trên 3.000 xã mới tiếp nhận, ông Vinh nhẩm tính ngành điện phải cần tới gần 10.000 tỉ đồng. Nhưng số tiền này lấy ở đâu ra?
“Chúng tôi đã cố gắng vay thương mại khoảng 1.000 tỉ đồng và được bố trí nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của một số tổ chức quốc tế, thì tổng số tiền để đầu tư cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp đến nay mới được khoảng hơn 2.000 tỉ đồng”. - ông phân trần. Vốn để cải tạo, nâng cấp lưới điện cũng chỉ dám đặt mục tiêu giảm tổn thất xuống mức 18-19%, còn dưới nữa (khoảng 10% như mục tiêu đề ra), thì số vốn phải tới 20.000 tỉ. Vì không có tiền đầu tư, lại lo ngại lưới điện cũ nát có khả năng mất an toàn khi sử dụng, không đảm bảo an toàn cho người dân, hiện vẫn còn khoảng 1.000 xã nằm trong Dự án năng lượng nông thôn (RE II) do Ngân hàng Thế giới tài trợ và số xã do các tổ chức kinh doanh điện tại địa phương đang bán điện, chính quyền cũng chưa mặn mà bàn giao, ông Vinh cả quyết: “Chúng tôi thực sự cũng chưa dám nhận, vì sợ đeo nợ”.
Nan giải nguồn vốn
Theo ông Lê Văn Chuyển - Phó Trưởng ban Kinh doanh thuộc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - nghịch lý giá điện mà người nông dân phải gánh chịu ở mức trên dưới 1.000đ/kWh đã lùi vào dĩ vãng ở những xã ngành điện đã tiếp nhận. Từ chỗ lưới điện cũ nát, không đảm bảo an toàn, đường dây dẫn điện “năm cha, ba mẹ, tổn thất do bán kính cấp điện lớn, thiết bị đo đếm điện năng mua trôi nổi trên thị trường, không được kiểm định, độ chính xác phập phù, phần lớn phần thiệt khách hàng gánh chịu, từ khi ngành điện tiếp quản chất lượng điện tăng lên, tỉ lệ tổn thất điện năng giảm hẳn, người dân vô cùng phấn khởi và ủng hộ chủ trương lớn của Chính phủ.
Trong khi đó, về phía ngành điện, do tiếp nhận bán điện trực tiếp đến hộ dân, nên giá bán bình quân của các xã tiếp nhận tăng lên, bình quân khoảng 260,48đ/kWh. Giá bán lẻ đến hộ đạt 787,46đ/kWh, so với khi bán buôn tại côngtơ tổng là 526,97đ/kWh, nên chênh lệch doanh thu bán điện tăng lên 359,5 tỉ đồng (doanh thu nếu bán buôn tại côngtơ tổng là 2.299,2 tỉ đồng; sau khi tiếp nhận bán lẻ đạt 2.658,7 tỉ đồng - số liệu đến hết tháng 6.2010). Nếu giảm tiếp tỉ lệ tổn thất điện năng thì sản lượng điện thương phẩm tăng, từ đó kéo theo doanh thu tăng.
Ông Chuyển cũng cho biết: “Vấn đề khó khăn nhất của tiếp nhận lưới hạ áp nông thôn chốt lại là vốn. Nếu có đủ vốn để đầu tư nâng cấp lưới điện thì đảm bảo ngành điện sẽ đưa ngay tỉ lệ tổn thất xuống mức cho phép, nhưng nếu không vay được các nguồn vốn ưu đãi thì vốn vay thương mại là không chịu nổi”.
Tính đến nay, EVN đã tiếp nhận tổng số 7.029 xã và bán điện trực tiếp đến gần 11 triệu hộ dân nông thôn, đạt tỉ lệ 74,91% số hộ dân trên toàn quốc sử dụng điện lưới quốc gia. Hiện chỉ còn khoảng 1.929 xã với trên 3,6 triệu hộ do các tổ chức khác ngoài EVN quản lý bán điện, trong đó có 1.170 xã trong dự án điện nông thôn (RE II) do các địa phương vay vốn của WB; còn lại là các xã chính quyền địa phương xác nhận đủ điều kiện bán lẻ điện năng theo quy định của Luật Điện lực.
(Theo LĐO)