Bà Betsy Sparrow, trợ lý giáo sư ngành tâm lý học tại trường Đại học Columbia (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết mục đích nghiên cứu là để tìm hiểu xem liệu chúng ta có nhiều khả năng nhớ những thông tin mà ta biết là nó đã được lưu trữ trong máy tính hay không.
Để thử nghiệm, bà Sparrow cùng với các đồng sự của mình đã dựng nên 4 bài kiểm tra. Một bài trong đó yêu cầu những người tham gia cuộc thử nghiệm gõ 40 sự kiện vào trong máy tính, đại loại như "Đà điểu châu Phi có con mắt bự hơn bộ não của nó"... Phân nửa số người tham gia được cho hay là những thông tin trên sẽ được lưu trữ vào máy tính, số người còn lại thì được bảo là chúng sẽ bị xóa. Kết quả cho thấy, nhóm người được bảo là thông tin sẽ bị xóa có khả năng nhớ cao hơn những người biết thông tin sẽ được lưu trữ lại. Nhóm người "không thèm nhớ" này không cần bỏ nhiều công sức ra để nhớ chúng vì họ biết sau này họ có thể xem lại khi cần.
Bài kiểm tra thứ hai được thực hiện để xác định xem thói quen sử dụng máy tính có ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta hay không. Ví dụ khi đặt câu hỏi "Có quốc gia nào mà lá cờ chỉ có một màu duy nhất hay không?" thì chúng ta sẽ suy nghĩ đến các lá cờ hay là lập tức mở máy tính online để truy tìm câu trả lời đó? Ở đây, người tham gia thử nghiệm được yêu cầu ghi nhớ từng câu sự kiện ở trên và thư mục chứa câu nói đó, trong số 5 thư mục có trên máy tính. Kết quả cho thấy họ nhớ các thư mục này khá tốt.
Mục đích của bài kiểm tra này nhằm tìm hiểu một khía cạnh được gọi là "bộ nhớ giao dịch" (Transactive Memory), một khái niệm nói về việc chúng ta "sử dụng" những người khác như bạn bè, người thân hay gia đình để lưu trữ thông tin dùm chúng ta. Ví dụ, bà Sparrow nói: "Tôi thích xem bóng chày và tôi biết chồng mình biết rất rõ các sự kiện về nó. Nên mỗi lần muốn biết thứ gì, tôi chỉ cần hỏi anh ta là sẽ có ngay câu trả lời mà không cần phải ghi nhớ chúng".
Theo bà Sparrow, cho đến nay, việc nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng của Internet đến trí nhớ của chúng ta vẫn còn nhiều bí ẩn. Nhưng thử nghiệm của nhóm cho thấy Internet đã trở thành một nguồn lưu trữ thông tin chính yếu bên ngoài não bộ của chúng ta.