3CElectricTin tứcTin tức liên quanInternet chật vật tìm đường về nông thôn Việt Nam

 

alt
Thanh niên dân tộc xã Lũng Cú đang được chiến sỹ biên phòng hướng dẫn sử dụng Internet.


Ông Nguyễn Long, Tổng thư kí Hội Tin học Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) dẫn ra con số này tại hội thảo nhân Ngày Internet Việt Nam, do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin phối hợp với VIA tổ chức chiều 1/12. Tại đây, nhiều trăn trở làm thế nào để phát triển Internet ở nông thôn, rút ngắn khoảng cách với thành thị, làm thế nào để thu hút được đông đảo người dùng… đã được đưa ra bàn thảo.

Đã tròn 14 năm Internet có mặt tại Việt Nam. Trong 14 năm qua, hạ tầng và dịch vụ công nghệ này đã làm thay đổi rất lớn lao cả về mặt đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa và tinh thần cho người dân Việt. Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chương trình đưa máy tính, Internet gần như miễn phí về nông thôn, vùng sâu vùng xa, thế nhưng, hiệu quả chưa mấy khả quan.

Kế hoạch phát triển Internet về nông thôn, vùng sâu vùng xa đã nằm trong chủ trương của “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, với mục tiêu chung đến năm 2015, sẽ cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học, phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư, tỉ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 50%...

Đưa ra quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty Phần mềm và Truyền thông (VASC) cho rằng, kế hoạch phủ sóng băng rộng tới 80% dân số vào năm 2015 khó có tính khả thi.

Ông Hải so sánh, chưa nơi nào Internet lại rẻ như ở Việt Nam. Ông kể, vừa rồi đi châu Âu, ở khách sạn giá dịch vụ Internet là 2 Euro/phút, trong khi đó, ở Việt Nam chỗ nào cũng có Wi-fi, thậm chí miễn phí. Song chính với mức giá rẻ như thế, chưa kể hàng loạt các khó khăn như địa lí, địa hình, thu nhập… ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nên nếu bảo doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển Internet ở những khu vực này thì xem ra rất khó khăn và chả doanh nghiệp nào muốn làm.

Vị Giám đốc VASC phân tích, ở nhiều nước người ta coi hạ tầng băng rộng giống như hạ tầng giao thông, vì thế nhà nước hỗ trợ đầu tư đường trục lớn, hạ tầng băng rộng, nhưng ở nước ta lại chưa được như vậy, Nhà nước cũng chưa có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

“Trước đây, lĩnh vực này chưa cạnh tranh thì doanh nghiệp còn có nhiều lợi nhuận, nhưng thời gian qua, mức độ cạnh tranh rất cao, giá dịch vụ giảm, lợi nhuận giảm, nên nếu doanh nghiệp đầu tư mạnh sẽ lỗ”, ông Hải nói.

Ở một góc nhìn ngược lại, ông Nguyễn Long cho rằng, việc đầu tư phát triển hạ tầng và thiết bị không có nhiều băn khoăn, nhưng vấn đề là ở chỗ làm sao phải kết hợp đồng nhất được khối hạ tầng và khối dịch vụ nội dung. Hiện tại, đưa Internet về nông thôn thì không biết người dân những vùng miền này sẽ dùng Internet để làm gì. Nên để người dân tiếp cận với Internet điều quan trọng nhất chính là nội dung được cung cấp trên đó.

Vị Phó chủ tịch VIA hi vọng trong năm 2012, Bộ Chính trị sẽ có nghị quyết về việc đưa một phần hạ tầng mạng vào quyết sách để phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta cần làm thế nào để đẩy mạnh tốc độ đưa Internet về vùng sâu, vùng xa nhanh và nhiều hơn.

Chủ tịch VIA Vũ Hoàng Liên cho rằng, để phát triển Internet về nông thôn, vùng sâu vùng xa còn rất nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt, cần có một khảo sát xem nhu cầu của người dân là gì, để từ đó xây dựng nội dung phù hợp.

“Cần làm thỏa mãn nhu cầu của nông dân trước khi kéo họ theo cái mà người nông dân muốn. Nói hình ảnh là phải cho họ ăn cái họ thích, rồi hướng họ theo cái mà mình cho là tốt đối với họ”, ông Liên ví von.

Theo Thongtincongnghe