3CElectricTin tứcTin tức liên quanKhởi công thủy điện Lai Châu

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát lệnh khởi công công trình. Tham dự buổi lễ còn có Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo EVN, lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Điện Biên và các cấp chính quyền, đoàn thể, đồng bào tỉnh Lai Châu... cùng toàn thể CBCNV Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La.

Nhà máy thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của dòng sông Đà, gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW (3x400MW). Tổng mức đầu tư sau thuế là 35.700 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của EVN chiếm 20%, còn  80% là vốn vay thương mại trong, ngoài nước, vay tín dụng ưu đãi đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư dự án bồi thường di dân, tái định cư. Tổ hợp nhà thầu thi công công trình chính gồm: Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn.

Nhiệm vụ chủ yếu của thủy điện Lai Châu là cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia và tăng cường năng lực phát điện cho hai nhà máy thủy điện Sơn La và Hòa Bình thêm khoảng 59,9 triệu kWh/năm. Đồng thời, tham gia cấp nước cho đồng bằng sông Hồng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc, nhất là nhân dân huyện Mường Tè- một trong những huyện đặc biệt khó khăn của cả nước.

Theo tính toán, hồ chứa thủy điện Lai Châu sẽ nằm trọn vẹn trong khu vực huyện Mường Tè nên khá thuận lợi cho công tác di dân, tái định cư và hạn chế tối đa tác động đến môi sinh, môi trường trong khu vực. Trên 1.700 hộ dân được bố trí tái định cư tập trung ở 35 điểm trên địa bàn huyện Mường Tè. Hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã hoàn thành. Các hộ dân trên mặt bằng công trường đã được di chuyển để tiến hành đào hố móng hệ thống công trình dẫn dòng thi công. Hệ thống giao thông nội bộ đang được triển khai đồng bộ, khu nhà ở và làm việc ban đầu của Ban quản lý dự án, các đơn vị thi công trên công trường đã hoàn thành. Bên cạnh đó, công tác đóng điện phục vụ dự án, đường dây 110 kV Tuần Giáo- thủy điện Lai Châu và Trạm biến áp 110 kV thủy điện Lai Châu đã cơ bản hoàn thành. Hiện trên công trường có hơn 1.000 kỹ sư, công nhân thuộc 13 đơn vị thi công của ba nhà thầu là Sông Ðà, Licogi và Trường Sơn. Dự kiến, tổ máy số 1 sẽ phát điện vào năm 2016, toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào năm 2017.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự cố gắng của các đơn vị tham gia trong việc hoàn thành nhiều hạng mục công trình chuẩn bị cho ngày khởi công. Đồng thời biểu dương bà con các dân tộc huyện Mường Tè đã hy sinh đất đai nhà cửa để nhường đất cho công trình.

Thủ Tướng khẳng định: đây là công trình trọng điểm của Nhà nước, Chính phủ sẽ chỉ đạo các ngân hàng liên quan thu xếp vốn cho dự án.

Thủ Tướng yêu cầu EVN phải phối hợp với các nhà thầu đảm bảo tiến độ công trình, các đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn cho người lao động có nhiệm vụ bố trí xây dựng các khu tái định cư cho nhân dân vùng dự án với tiêu chí nơi ở mới của bà con phải tốt hơn nơi ở cũ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy trình vận hành hồ chứa Lai Châu và quy hoạch vận hành liên hồ thủy điện sông Đà, sông Lô-Gâm để đảm bảo an toàn hồ chứa và an toàn cho vùng hạ du.

Quy mô dự án:

Công trình thủy điện
Diện tích lưu vực: 26.000 km2
Mực nước dâng bình thường: 295 m
Mực nước chết: 270 m
Diện tích mặt hồ: 39,63 km2
Công suất lắp máy: 1.200 MW (3 tổ máy x 400 MW).
Điện lượng trung bình nhiều năm: 4.670,8 triệu kWh (ngoài ra tăng cho các công trình bậc dưới 59,9 triệu kWh).
Cấp công trình: Cấp đặc biệt.

Khối lượng công việc chính: Đào đất đá các loại 14,852 triệu m3; đắp đất đá các loại 2,572 triệu m3; bê tông các loại 3,604 triệu m3; cốt thép 49.465,7 tấn; khoan phụt xi măng 82.410 md; thiết bị công nghệ 31.833 tấn. Công trình sử dụng đập bê tông trọng lực, cao trình đỉnh đập 303m, gồm 3 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW.

Bồi thường, hỗ trợ và các hạng mục phụ trợ khác:

Đầu tư xây dựng đường giao thông tránh ngập gồm: khoảng 65km tỉnh lộ 127 cấp V miền núi và 20km đường giao thông liên vùng cấp V miền núi đoạn Mường Tè - Pắc Ma.

Đường giao thông ngoài công trường đoạn Lai Hà - thủy điện Lai Châu và cầu Lai Hà dài khoảng 34km.

Đường dây tải điện 500kV từ thủy điện Lai Châu đến trạm biến áp 500kV tại Pitoong, tỉnh Sơn La, dài khoảng 180km.

Đường dây tải điện 110kV từ thủy điện Lai Châu - Tuần Giáo, trạm biến áp 110kV tại thủy điện Lai Châu và mở rộng trạm biến áp 110kV Tuần Giáo.

 

(Theo baocongthuong.com.vn)