3CElectricTin tứcTin tức liên quanKhông khí tại Apple sau một năm Steve Jobs mất

 

Khi nghe tin Jobs mất, nhân viên Apple lặng lẽ ra ngoài nhìn lá cờ Mỹ hạ xuống rồi quay trở lại làm việc. Các đối tác tới đây tỏ ra ngạc nhiên khi các cuộc hẹn vẫn diễn ra đúng lịch. "Đó là điều Jobs muốn", một nhà quản lý Apple giải thích với Chuck Goldman, nhà sáng lập Apperian đến Apple vào hôm đó (5/10/2011). Hai tuần sau, Tim Cook tổ chức lễ tưởng niệm tại trụ sở Cupertino với sự xuất hiện của Coldplay và Norah Jones, những nghệ sĩ mà huyền thoại công nghệ yêu thích.

Jobs-1-jpg-1349392585-1349392617_480x0.j
Apple vắng bóng Steve Jobs từ 5/10/2011.

Người ta đã nói nhiều về Apple thời kỳ hậu Steve Jobs với những thành công như giá cổ phiếu tăng hơn 70%, số vốn hóa vượt 600 tỷ USD cùng những mặt tiêu cực như bản đồ Maps chưa tốt. Báo Business Week phỏng vấn hơn 20 người đang và từng làm việc ở Apple và nhận thấy hãng này vẫn hoạt động rất ổn dù thiếu Jobs.

Đã có những thay đổi ngay bên trong nội bộ Apple như là không khí làm việc đã bớt ngột ngạt hơn trước. Steve Jobs vốn nổi tiếng là người khắc nghiệt. Nhân viên và các giám đốc thường xuyên bị dựng dậy bởi những cuộc gọi lúc nửa đêm, luôn sẵn sàng cho những thay đổi vào phút chót hoặc bị chỉ trích vì những chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Sức ép tại Apple từng được ví như trong nồi áp suất, còn dưới sự chỉ đạo của Tim Cook, nhân viên cảm thấy thoải mái hơn, ít căng thẳng hơn và hiếm khi họ nhận được cuộc gọi điên cuồng giữa đêm. Các kỹ sư cũng không nhất thiết phải rút ngắn hoặc hủy các ngày nghỉ phép trong giai đoạn phát triển sản phẩm.

Trong các cuộc họp có sự hiện diện của Steve Jobs, người tham gia sẽ phải chuẩn bị khả năng họ liên tục bị ngắt lời và bị sỉ vả. Nhân viên để lại cái tôi ở cửa ra vào và duy nhất một người được phép thể hiện cái tôi nơi công cộng là Jobs. Ngược lại, Cook lắng nghe ý kiến của mọi người, để họ thoải mái phát biểu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng "một cách thẳng thắn và hiểu thấu đáo mọi vấn đề".

Sự nhã nhặn của Cook còn thể hiện rõ trong việc xử lý các sự cố. Năm 2010 , khi iPhone 4 bị lỗi ăng-ten, người sử dụng phải mất tới 39 ngày ca thán thì Steve Jobs mới đồng ý tổ chức họp báo để đưa ra giải pháp: tặng các bộ case cao su miễn phí cho những khách hàng đã mua iPhone từ sớm. Còn chỉ sau một tuần iPhone 5 được bán, Cook đã ra thông cáo "vô cùng xin lỗi" về dịch vụ bản đồ hoạt động không như mong đợi. Thậm chí, ông còn đưa ra đề xuất khiến nhiều người ngỡ ngàng là trong thời gian chờ nâng cấp, họ nên dùng bản đồ của đối thủ như Microsoft, Nokia và Google.

Người ta vẫn tự hỏi liệu sự thảm hại của bản đồ và hành động xin lỗi của Apple có xảy ranếu Jobs vẫn còn chỉ đạo? Jobs chính là người khởi động dự án bản đồ vào giao cho Scott Forstall chịu trách nhiệm chính. Ông thành lập một nhóm bí mật làm việc ở tầng 3 trong một tòa nhà thuộc đại bản doanh Apple với nhiệm vụ thay thế Google Maps trên iPhone. Vào thời điểm sắp ra đi, Jobs tỏ ra căm ghét Google vì cố tình sao chép một số tính năng của iPhone trong khi lại không chịu cung cấp dữ liệu chỉ đường chi tiết bằng giọng nói trên Google Maps cho Apple. Jobs muốn rút cả dịch vụ tìm kiếm Google khỏi iOS nhưng hiểu rằng khách hàng sẽ phản ứng nếu điều đó xảy ra.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ bên trong Apple đều diễn ra ổn thỏa. Cook bắt đầu đau đầu với sự đấu đá, ganh đua tiêu cực giữa các bộ phận. Ông cũng phải chi tiền để giữ chân những người quan trọng khi họ muốn rời công ty. Năm ngoái, ông tặng cổ phiếu giá trị hơn 100 triệu USD để củng cố ban lãnh đạo. Giữa năm nay, Phó chủ tịch Bob Mansfield chuẩn bị nghỉ hưu nhưng một số kỹ sư có uy tín trong đội của Mansfield liên tục phàn nàn với Cook rằng Dan Riccio, người thay thế Mansfield chưa đủ năng lực để tiếp quản vị trí. Vì thế, Cook gặp Mansfield và đề nghị chế độ ưu đãi lớn để ông tiếp tục ở Apple làm cố vấn và quản lý đội kỹ sư phần cứng. Nhiều nhân viên cũng đang mong đợi Cook sẽ dễ tính trong chuyện lương thưởng hơn Jobs - người luôn cho rằng được làm việc ở Apple chính là một phần thưởng rồi.

Cook-jpg-1349392617_480x0.jpg
Tim Cook có lối điều hành dễ chịu hơn Steve Jobs.

Cook là một chuyên gia trong vấn đề cung ứng, sản xuất và đánh giá nhu cầu. Khi đảm nhận chức vụ mới, việc này còn được ông thực hiện sát sao hơn nữa. Ông tới Trung Quốc thăm nhà máy Foxconn, thúc đẩy việc tăng lương và đảm bảo chế độ lao động an toàn cho công nhân, thậm chí cho phép một tổ chức bên thứ ba tiến hành khảo sát điều kiện làm việc một cách độc lập.

"Kết quả nói lên tất cả. Đã có sản phẩm nào trên thế giới có thể đạt sản lượng như thế (như iPhone 5) chỉ trong một thời gian quá ngắn chưa?", Avadis Tevanian, từng là Phó chủ tịch về phần mềm của Apple, cho hay.

Khi Jobs còn sống, "phép thuật" của Apple đến từ việc tạo ra các sản phẩm làm thay đổi ngành công nghệ và thế giới. Nhiều người tin Steve Jobs đã đặt lộ trình sản phẩm cho Apple trong vài năm, nhưng một số nguồn tin nội bộ của hãng này tiết lộ với Business Week rằng iPhone 5 là sản phẩm cuối cùng được Jobs tham gia đánh giá và phê duyệt.

Các sản phẩm tiếp theo mới chỉ nằm trong kế hoạch và có thể sẽ là một chiếc TV. Jobs thường xuyên nói "không", thẳng thừng gạt đi không ít đề xuất ban đầu về sản phẩm mới (đội ngũ phát triển iPhone từng phải tạo ra 40 mẫu thử khác nhau mới chọn ra được vài thiết kế). Hiện chưa rõ Cook có nghiêm khắc trong việc phê duyệt dự án để có thể cho ra đời những thiết bị đầy sáng tạo và tinh tế như Jobs hay không.

Hôm nay là ngày đánh dấu một năm Steve Jobs qua đời và kỷ nguyên của Tim Cook mới chỉ bắt đầu. Các nhà phân tích cho rằng không cần biết Apple đi theo hướng nào, chỉ cần họ tiếp tục lập nên những kỷ lục mới về giá trị vốn hóa thị trường trong thời gian tới, Cook sẽ được coi là nhà lãnh đạo tài ba và xứng đáng kế nhiệm Jobs.

Châu An