3CElectricTin tứcTin tức liên quanLàm điện gió theo công nghệ trực thăng

 

dien gio theo cong nghe truc thang
Cánh quạt điện gió mô phỏng theo công nghệ trực thăng

Ông Bùi Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng điện lực VN (EVNIC), đã cho biết như vậy tại hội nghị về điện gió mới đây ở Ninh Thuận.

Công nghệ mới

Ông Bùi Quang Hùng thông tin khoảng tháng 6-2013, công ty của ông sẽ khởi công ba trụ điện gió đầu tiên tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ông Hùng nói dự án điện gió này chắc chắn sẽ không phải bù lỗ vì áp dụng công nghệ mới lần đầu tiên trên thế giới được các chuyên gia của Nga phối hợp với VN thực hiện.

“Về mặt công nghệ, đó không phải là tuôcbin ba cánh mà là tuôcbin hai tầng, đồng trục, 10 cánh, mỗi tầng năm cánh và xoay ngược chiều nhau. Ý tưởng này xuất phát từ những ý tưởng trước đây làm những trực thăng tăng lực cho quân đội Nga. Khi sử dụng hai tầng cánh xoay ngược chiều nhau thì hiệu quả của những cánh quạt nâng lên rất cao và khống chế được những nhược điểm hiện nay của những tuôcbin ba cánh. Tức hiệu suất sử dụng năng lượng gió của những tuôcbin ba cánh chỉ trên dưới 0,3. Còn hiệu quả sử dụng năng lượng gió của những tuôcbin 10 cánh này có thể đạt 0,6-0,8 (trên lý thuyết là 0,8)” - ông Hùng giải thích.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết những tuôcbin này hiện nay chưa ra đời. Hiện các chuyên gia của Nga kết hợp với một số doanh nghiệp ở TP.HCM như Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn... đã thành lập Công ty cổ phần Năng lượng mới Việt Nga. Công ty này đang sản xuất thử nghiệm ba trụ tuôcbin, mỗi trụ tuôcbin 1MW, dự kiến hoàn thành và đưa ra lắp đặt tại Ninh Thuận vào tháng 11-2013.

Ông Đỗ Hữu Nghị - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết mới có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM và thống nhất toàn bộ tuôcbin mới sản xuất thử nghiệm này đều ưu tiên đặt tại Ninh Thuận. Sau khi dự án thành công sẽ chuyển giao cho EVNIC vận hành, khai thác và phía chuyên gia người Nga sẽ chỉ đảm nhận chuyên về sản xuất thiết bị.

Tạo đột phá

EVNIC đưa ra tính toán cùng một công suất lắp đặt, sản lượng của công nghệ mới tăng gấp 2,2-2,5 lần so với công nghệ cũ. Như vậy công nghệ mới sẽ làm cho doanh thu tăng lên, giá thành sản xuất thấp xuống. “Với giá bán 7,8 cent/kWh theo quy định hiện nay thì doanh nghiệp không thể thu hồi vốn, nhưng với công nghệ mới này có thể thu hồi vốn sau 7-8 năm” - ông Hùng khẳng định.

Cũng theo EVNIC, theo điều kiện gió như ở khu vực xã Công Hải một trụ tuôcbin theo công nghệ mới sẽ phát 4,5-4,6 triệu kWh/năm, trong khi công nghệ cũ chỉ 2-2,2 triệu kWh/năm. Như vậy theo tính toán của ông Hùng, cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014, ba trụ gió theo công nghệ mới sẽ chính thức phát điện vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất khoảng 13 triệu kWh/năm.

Ông Nguyễn Thanh Hoan, giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận, nhìn nhận các dự án điện gió ở Ninh Thuận đã được cấp phép nhiều năm nay, có dự án đã ba lần điều chỉnh quy mô, nhiều lần xin gia hạn nhưng không có dự án nào khởi công xây dựng. Nguyên nhân đầu tiên là do khả năng tài chính của các doanh nghiệp không đáp ứng. Nếu công nghệ mới hoạt động đúng như tính toán thì hiệu quả đạt được rất cao. “Với công nghệ điện gió mới này, chúng tôi đang hi vọng Ninh Thuận sẽ có những trang trại điện gió có lãi đầu tiên ở VN. Chúng tôi mong muốn tạo sự đột phá cho điện gió VN” - ông Hoan hi vọng.

(Theo: Tuổi trẻ)