Gtel miễn cưỡng hay thích thú mua lại cổ phần từ Vimpel Com?
Đối tác của Gtel Mobile (gọi tắt là Gtel) là VimpelCom đã rút khỏi cuộc chơi ở thị trường viễn thông di động Việt Nam với lý do muốn cắt lỗ. Điều này được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận là hết sức bình thường. Mỗi doanh nghiệp có những chiến lược kinh doanh riêng và khi không đạt được mục tiêu thì họ có thể ngưng đầu tư. “Trên thị trường chứng khoán, sau khi VimpelCom rút khỏi Việt Nam, lập tức cổ phiếu của tập đoàn này tăng 2,3%”, một nhà đầu tư chứng khoán cho biết.
Hình ảnh chú gà con lông vàng đã quen thuộc với 6 triệu thuê bao của mạng Beeline (số liệu do nhà mạng công bố). Ảnh: Vũ Nga.
Ở thị trường Việt Nam, trong suốt 3 năm qua, mạng di động Beeline với sự hỗ trợ của Vimpel Com liên tục tung ra những gói cước "phá giá" thị trường nhằm thu hút thuê bao. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng, VimpelCom không thể cứ áp dụng những chiêu trò của kẻ lắm tiền, kinh doanh theo kiểu ăn xổi. Dù sao, Vimpel Com cũng đã rút khỏi Việt Nam.
Điều đáng nói hơn là toàn bộ cổ phần của VimpelCom không phải do một đối tác nước ngoài nào khác mua lại (có nhiều đồn đoán là VimpelCom đã chào mời mà chưa đối tác ngoại nào dám mua trong đó có 1 đối tác của Nhật, 1 của Mỹ) mà được chính đối tác bản địa tiếp nhận. Thậm chí, đại diện GTel còn cho biết “chúng tôi chủ động mua lại cổ phần” và bình luận đây là thời điểm tốt để Gtel mua lại cổ phần và sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược của công ty đề ra trước đây.
Về lý do mua lại cổ phần, ông Nguyễn Thế Bình, Phó Tổng giám đốc Gtel Mobile giải thích: “Thứ nhất, chúng tôi nhận thấy thị trường viễn thông di động Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Thứ hai, kinh nghiệm và những kết quả đã xây dựng được trong 4 năm qua là rất to lớn và có giá trị đối với một nhà khai thác viễn thông. Và thực tế ở Việt Nam cho thấy các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bản địa đã rất thành công". Có vẻ ông Bình có ngầm ý rằng VimpelCom không có nhiều am hiểu về thị trường bản địa.
Ông Nguyễn Thế Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Gtel Mobile. Ảnh: Vũ Nga.
Ông Bình còn cho rằng, với sự rút lui của VimpelCom,Gtel sẽ tổ chức lại bộ máy điều hành gọn nhẹ, cơ động và hiệu quả hơn.
Còn giới phân tích nhận định ra sao về quyết định của G-tel?
Nên cạnh tranh bằng nội lực
Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng, doanh nghiệp nào yếu kém, hoạt động không hiệu quả thì phải rút ra khỏi cuộc chơi hoặc sát nhập, cơ cấu lại thị trường bằng các biện pháp hoàn toàn thị trường. Đó là điều bình thường. Vimpel Com rút ra có thể lại có doanh nghiệp khác đầu tư vào. Thị trường dần dần sẽ đi vào ổn định, doanh nghiệp nào mạnh, có thực lực sẽ tồn tại.
Còn việc liệu có nhà đầu tư ngoài nào sẽ “đỡ lưng” cho Gtel hay không, theo Thứ trưởng Thắng, trước hết cần xem mình có cần nước ngoài hay không, cần nước ngoài vào làm gì. Nếu thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhân lực thì mới cần nước ngoài. Còn nếu có thể làm tốt thì không cần.
Những cộng sự người nước ngoài sẽ không còn ở Gtel. Ảnh: Vũ Nga.
Theo ông Thắng, trong lĩnh vực viễn thông, nhiều doanh nghiệp hiện nay không thiếu vốn, thậm chí còn đầu tư ra nước ngoài như Viettel, VNPT đầu tư sang Campuchia, Haiti… Nhân lực Việt Nam cũng có khả năng tiếp thu công nghệ rất nhanh.
Do đó, ông Thắng cho rằng doanh nghiệp Việt có đủ vốn, công nghệ và nhân lực, có thể tự kinh doanh trong lĩnh vực này. Tự phát triển là cách tốt nhất, giúp tạo ra công ăn việc làm cho người Việt Nam, đóng góp lợi nhuận cho nhà nước Việt Nam mà không phải chia sẻ.
Vẫn còn cơ hội
Có nhiều ý kiến cho rằng rất nhiều khó khăn đang chờ Gtel phía trước. Hiện tại APRU (doanh thu trên mỗi thuê bao) của Beeline thấp. Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, đó là do trước đây Beeline áp dụng chính sách miễn giá cước nhiều, khuyến mãi quá nhiều, đến mức phá giá. Cách làm ăn như vậy không lâu dài.
Ông Thắng cho rằng, doanh nghiệp nào có ý định làm ăn lâu dài, có năng lực thực sự sẽ phát triển được. Còn doanh nghiệp nào không đáp ứng tiêu chí đó, không nắm được văn hóa, điều kiện kinh doanh, không có ý định làm ăn lâu dài sẽ không trụ được ở Việt Nam. Vì vậy, không nên phân biệt mạng lớn hay nhỏ mà chính thị trường sẽ quyết định. Thị trường ở đây gồm nhiều yếu tố: giá cả, chất lượng, nhất là trong thời gian tới, khả năng tích hợp dịch vụ 3G sẽ là một trong những lợi thế của nhà mạng.
Theo ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, các nhà mạng nhỏ hiện chưa có đối tượng phục vụ rõ ràng. Nếu biết khoanh vùng thị trường, có vùng phủ sóng tốt thì vẫn còn cơ hội. Mặt khác, hiện các nhà mạng nhỏ đều chưa đạt ngưỡng về công nghệ (hạ tầng). Các thị trường khác thường chỉ có 3 nhà mạng, ngay cả thị trường Trung Quốc với 1,3 tỷ dân cũng chỉ có 3 nhà mạng. Thị trường Việt Nam chỉ bằng xấp xỉ 10% dân số Trung Quốc nhưng hiện có đến 7 nhà mạng. Vì vậy, cạnh tranh sẽ còn diễn ra một thời gian nữa. Gtel có thuận lợi là có một hạ tầng do chính họ đã dày công xây dựng, tuy nhiên, không phải có hạ tầng là có thể ngồi đó thu tiền mà còn phải đáp ứng được chất lượng dịch vụ, hoàn vốn để tái đầu tư.
Ngày 23/4/2012, Gtel Mobile thông báo mua toàn bộ 49% cổ phần của đối tác ngoại VimpelCom trong liên doanh giữa 2 bên, đưa Gtel Mobile trở thành công ty 100% vốn của các cổ đông trong nước.
Về sự kiện này, ông Nguyễn Văn Dư, Phó Tổng giám đốc Gtel Mobile, cho biết “Chúng tôi cam kết tiếp tục đầu tư, cung cấp dịch vụ viễn thông di động với phong cách truyền thông mới tới người dân Việt Nam”.
Ông Pavel Borodin, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vimpelcom cho biết “Chúng tôi quyết định thu gọn hoạt động tại một số khu vực và vùng lãnh thổ nhằm tập trung vào các thị trường trọng điểm. Chúng tôi đánh giá cao quan hệ hợp tác với Gtel trong liên doanh Gtel Mobile và hoàn toàn tin tưởng vào nghiệp vụ chuyên môn cũng như kỹ năng quản lý của đối tác trong việc tiếp tục phát triển thương hiệu và kinh doanh của công ty trong thời gian tới”.
Theo Thongtincongnghe