Theo giáo sư Peza Alam, trung bình mỗi mét vuông bề mặt trái đất chỉ nhận được 300-400wat bức xạ mặt trời, trong khi sóng đánh trên một diện tích tương đương ở ven bờ California, Mỹ, có thể tạo ra 45 kilowat năng lượng. Ông giải thích, nếu muốn sản xuất được một lượng năng lượng như vậy thì cần 150 mét vuông pin năng lượng mặt trời. Chỉ cần 10 mét bờ biển California cũng sản sinh ra một lượng điện tương đương với các tấm pin mặt trời rộng cỡ một sân vận động.
Nhóm nghiên cứu trên đã thiết kế một bể thử nghiệm 2m và thí nghiệm thành công với nguyên mẫu thảm sóng bằng cao su. Trên thực tế, sóng biển chạy theo nhiều hướng và cao su có thể bị nước muối làm rách. Vì vậy, các nhà khoa học phải thiết kế một bể 3m và thay thế cao su bằng silic hoặc các vật liệu composite.
Alam không phải là nhà khoa học đầu tiên mơ ước tận dụng năng lượng của sóng biển. Song khác với các nhà máy sản xuất điện nhờ sóng biển, thiết bị của ông có những ưu thế vượt trội. Thiết bị không nổi trên bề mặt biển mà đặt ngầm dưới nước.
Thứ nhất, tàu bè vẫn hoạt động bình thường mà không lo bị cản trở.
Thứ hai, khi xảy ra bão tố không cần phải ngừng hoạt động.
Khi bão tố, các tuabin gió và nhà máy nổi trên mặt biển có thể bị phá hủy, trong khi thảm ngầm vẫn an toàn. Nhóm của giáo sư Alam sẽ lắp đặt một thảm thực sự ở đại dương trong năm 2016 với hy vọng trong vòng 10 năm, giá điện do thảm ngầm sản xuất ra có thể cạnh tranh với giá điện hiện nay ở Mỹ, cỡ gần 10 xu một kilowatt/giờ.
( Theo Motthegioi )