3CElectricTin tứcTin tức liên quanNhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ có đê chắn sóng cao 15 m

  Hai ngày qua, Văn phòng Ban chuẩn bị đầu tư Dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tại Ninh Thuận đã tổ chức hội nghị tuyên truyền dự án nhà máy điện hạt nhân. Ban cũng đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu, rút kinh nghiệm về sự cố hạt nhân do động đất và sóng thần tại Nhật Bản để thiết kế, xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận được an toàn hơn.

  Ông Trần Văn Luyến - Tiến sĩ chuyên ngành Vật lý hạt nhân và nguyên tử, Trưởng Văn phòng đại diện của Ban chuẩn bị đầu tư Dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, cho biết, lịch sử Việt Nam đã ghi nhận từng xảy ra động đất mạnh 6,8 độ Richter ở khu vực Tây Bắc; 6,1 độ Richter ở ngoài khơi trên thềm lục địa Đông Nam; và chấn động 3,4 độ Richter tại Ninh Thuận.

    "Hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ được thiết kế ở mức dự phòng cao hơn từ 15 đến 30% so với mức độ động đất cao nhất đã từng xảy ra ở Việt Nam. Đối với sóng thần, mặc dù trong lịch sử mức sóng cao nhất ghi nhận được ở Ninh Thuận là 8 m, nhưng các đê chắn sóng của 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được thiết kế cao 15m", ông Luyến cho biết.


Chuẩn bị triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ninh

   Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt khẳng định: "Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có thể chịu được động đất 6 -7 độ richter".

   Ông Điền nói rõ: “Trong báo cáo phân tích an toàn, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có thể chịu đựng được động đất từ 6 đến 7 độ richter, lớn hơn nữa thì chưa phân tích một cách cụ thể, nhưng về nguyên tắc khi xảy ra sự cố thì lò sẽ dừng tự động và còn tùy thuộc tâm chấn động đất rơi vào nơi nào, có trực tiếp ảnh hưởng tới vùng có lò hay không".

    Sau khi xảy ra sự cố điện tại Nhật Bản do động đất và sóng thần, Bộ Khoa học và công nghệ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã yêu cầu 2 đơn vị là Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cùng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội tổ chức quan trắc phóng xạ môi trường tại 2 trạm quốc gia do 2 đơn vị này quản lý.

   Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, thực tế lò hạt nhân Đà Lạt là lò nghiên cứu, làm việc với áp suất thường, có công suất rất thấp chỉ 500KW nhiệt. Còn lò phản ứng hạt nhân số 1 của nhà máy điện Fukushima - Nhật là 460 MW điện, tức khoảng 1.500 MW nhiệt. Lò phản ứng số 3 của họ mới nổ thì gần 800 MW điện, tức là hơn 2.000 MW nhiệt, gấp rất nhiều lần so với lò phản ứng Đà Lạt. "Cho nên không nên quá lo ngại vì giữa lò Fukushima và lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoàn toàn khác nhau về mức độ an toàn cũng như mức độ sự cố có thể xảy ra", ông Điền khẳng định.

   Người đứng đầu Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng cho biết, công tác quan trắc môi trường thường xuyên thực hiện ở trạm Đà Lạt. Tần suất lấy mẫu bình thường thì hằng tuần và hằng tháng, còn sau khi xảy ra sự cố nổ lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản, việc quan trắc ở trạm Đà Lạt tiến hành cứ sau vài ba tiếng đồng hồ để kiểm tra bất thường về phóng xạ. Hiện vẫn chưa phát hiện bất thường, máy vẫn chạy liên tục 24/24 h.

   Ông cho rằng, sau sự cố điện ở Nhật, ưu tiên số một của Việt Nam khi xây dựng nhà máy hạt nhân là phải lựa chọn công nghệ. Thế giới hiện nay có gần 450 lò phản ứng hạt nhân phát điện, đã qua nhiều thế hệ công nghệ nên Việt Nam phải lựa chọn những công nghệ tốt nhất. Phải đảm bảo vận hành đúng các quy trình, quy phạm của lò phản ứng hạt nhân và phải có một đội ngũ cán bộ hiểu biết để trong mọt tình huống xấu nhất có thể giải quyết những vấn đề tốt nhất.

    Những ý kiến này của Tiến sĩ Điền cũng đã được các chuyên gia nêu ra trong cuộc họp khẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 17/3, sau hàng loạt sự cố nổ lò hạt nhân ở Nhật do động đất và sóng thần.
Hai ngày trước, tại họp báo giới thiệu kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 12, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn khẳng định Quốc hội đã thông qua chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và bàn kỹ từ việc chuẩn bị, công nghệ thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực. Đánh giá sự cố điện ở Nhật là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình chuẩn bị dự án, ông Đàn nhấn mạnh: "Hiện chưa có chủ trương nào khác về vấn đề này"; và bày tỏ tin tưởng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo cơ quan chuẩn bị phải đặt mục tiêu an toàn đối với đời sống người dân lên hàng đầu khi thực hiện dự án điện hạt nhân.

Theo : vnexpress.net