E-reader ngày càng được ưa chuộng
Năm 2007, Amazon - Công ty bán lẻ trực tuyến của Mỹ đã cho ra đời thiết bị đọc sách điện tử đầu tiên mang tên Kindle. Từ đó đến nay đã có rất nhiều công ty như Barnes & Noble, Sony, Samsung, Fuji, Asus… cũng lần lượt cho ra đời các sản phẩm e-reader ngày càng hiện đại của mình.
Đa dạng các loại máy đọc sách
Mặc dù iPad và các loại máy tính bảng có thêm chức năng đọc sách xuất hiện ngày càng nhiều, e-reader chuyên dụng vẫn giữ được vị thế của mình bởi giá thấp hơn, nhỏ gọn hơn, và sự cải thiện đáng kể của công nghệ E-ink khiến văn bản hiển thị trên màn hình e-reader càng giống giấy thật hơn. Những yếu tố đó mang đến cho những con “mọt sách” của giới công nghệ cơ hội trải nghiệm cảm giác đọc sách điện tử thú vị.
Hiện nay, giá của các loại e-reader thông thường dao động từ gần 100 đô la Mỹ (100 USD, ~2,083 triệu đồng) đến hơn 300 USD (~6,25 triệu đồng). Nếu chịu khó đặt mua máy đã qua sử dụng từ các website bán lẻ ở nước ngoài thì có thể mua được máy gần như mới hoàn toàn với giá thấp hơn đáng kể. Bên cạnh các loại e-reader tên tuổi, trên thị trường cũng xuất hiện khá nhiều các loại máy đọc sách có giá dưới 100 USD.
Theo bà Đào Lan Hương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Marketing liên doanh Chợ Điện tử - eBay.vn thì: “Từ khi eBay.vn chấp nhận nhập hộ hàng từ Amazon, lượng thiết bị Kindle được đặt mua khá lớn. Lý do chính khách hàng chọn mua từ Amazon là vì hàng chính hãng, độ tin cậy cao”.
Trên nhiều website mua bán trực tuyến, các topic mua bán, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng thiết bị đọc sách cũng khá “xôm”. Anh Cao Đức Minh, du học sinh Nhật Bản cho biết: “Mặc dù tôi đã có iPad nhưng vừa qua tôi cũng mua thêm một chiếc Noble Nook chuyên đọc sách với khả năng kết nối với kho sách Nookbook Store. Theo tôi, cảm giác đọc sách trên thiết bị chuyên dụng hay hơn nhiều so với máy tính bảng, đặc biệt là ánh sáng dễ chịu không gây chói mắt”.
Chọn mua e-reader phù hợp
Giữa nhiều loại e-reader đa dạng, phong phú cả về hình thức, mẫu mã và tính năng, làm thế nào để chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu và túi tiền? Bên cạnh những yêu cầu về thời lượng dùng pin lâu, dễ mang đi lại, có màn hình không gây mỏi mắt và đọc tốt trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau, chúng tôi xin đưa ra một số điểm cần lưu ý khi chọn mua thiết bị đọc sách này.
Định dạng
Giống như mọi thiết bị điện tử khác, thị trường máy đọc sách điện tử luôn thường trực các cuộc chiến định dạng, dù rằng nó ít khốc liệt và phức tạp hơn. Trong khi một số thiết bị hỗ trợ các định dạng bảo vệ bản quyền DRM như AZM của Amazon dành cho Kindle, phần lớn các e-reader đều chấp nhận các tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi như TXT, PDF và HTML.
Không may là Kindle, chiếc máy đọc sách điện tử nổi bật nhất hiện nay, lại không hỗ trợ định dạng ebook thường gặp là EPUB. Phần lớn các nhà sản xuất đều cho thiết bị của họ hỗ trợ chuẩn mở này, nhưng Amazon thì không, họ muốn phát triển định dạng riêng của mình, và tất nhiên, đó là một định dạng mà không một máy đọc sách điện tử nào khác có thể sử dụng. Tuy nhiên, Kindle lại hỗ trợ tốt định dạng PRC đang khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt với những người thường dùng smartphone để đọc sách.
Trước khi quyết định mua một chiếc máy đọc sách điện tử, điều bạn cần làm là tìm hiểu toàn bộ các định dạng sách mà máy hỗ trợ cũng như những tiện ích từ cửa hàng sách trực tuyến đi kèm. Sau cùng, hãy dành ra vài giờ để trải nghiệm thực tế toàn bộ tính năng, khả năng hiển thị cũng như thư viện ảo trên máy.
Khả năng chơi nhạc
Khả năng chơi nhạc MP3 thường là một tính năng xa xỉ trên các mẫu máy đọc sách điện tử trước kia. Tuy nhiên, tính năng này lại làm tăng giá trị của một chiếc e-reader, do các sách nói (audio book) nay không còn quá hiếm. Bên cạnh các thiết bị cao cấp như iPad và Nook Color, những chiếc e-reader của Sony và Amazon cũng đã hỗ trợ chơi nhạc và sách nói.
Đánh dấu và ghi chú
Đánh dấu và viết ghi chú là tính năng rất hữu ích. Trong các tính năng hỗ trợ học tập và công việc của e-reader thì khả năng tô đậm (highlight), lưu và đánh dấu các đoạn văn bản là cực kỳ hữu dụng. Xu hướng chèn các dòng ghi chú lên lề của các tài liệu tham khảo cũng giống như cách mà các “con mọt sách” thường làm với cuốn sách giấy của họ đã trở nên phổ biến, do vậy, nếu mục tiêu của bạn là đọc kỹ càng và cẩn thận, hãy chú ý nhiều hơn đến tính năng này.
Màn hình E-ink và LCD
Giới công nghệ luôn so sánh 2 xu hướng công nghệ khi chúng cùng xuất hiện trên một loại thiết bị, và e-reader cũng không phải là ngoại lệ khi màn hình của chúng có thể là LCD hay E-ink - 2 công nghệ màn hình riêng biệt với những ưu nhược điểm riêng. Dưới đây là đặc điểm của từng loại:
E-ink: Công nghệ này dựa trên hàng triệu hạt siêu nhỏ được gọi là microcapsule, mang điện tích dương hoặc âm. Với các hạt này, người dùng sẽ thấy văn bản và hình ảnh hiển thị dưới hình thức đen trắng trên một phiến nền không có đèn chiếu sáng phía dưới (trông như giấy). Điều này khiến cho mắt người đọc dễ tiếp nhận hơn, hạn chế hiện tượng nhức mỏi dù đọc sách trong nhiều giờ, nhưng lại gây khó khăn khi đọc trong ánh sáng yếu, và muốn sử dụng vào ban đêm thì phải bật đèn ngoài. Màn hình này tiêu hao rất ít điện năng, gần như chỉ sử dụng năng lượng để lật trang, chọn sách, do đó một lần nạp pin có thể dùng được cả tuần, hoặc để ở chế độ chờ thì nhiều tuần.
LCD: Với công nghệ này, màn hình ở các máy đọc sách điện tử có những tính chất tương tự màn hình smartphone hay các máy tính thông thường, như màu sắc sặc sỡ, độ tương phản cao và đặc biệt độ phân giải tốt hơn hẳn so với màn hình E-ink. Tuy nhiên, để cung cấp điện năng cho các hiệu ứng ngoạn mục và màu sắc long lanh trên màn hình này, máy phải hy sinh rất nhiều về thời lượng pin, chưa kể nếu đọc lâu, đèn nền sẽ khiến cho mắt bạn nhức mỏi và thậm chí phải nghỉ một lúc trước khi đọc tiếp.
Một số thiết bị đọc sách phổ biến hiện nay
Amazon Kindle
Amazone Kindle.
Không đắt đỏ như những phiên bản đời đầu, mẫu Amazon Kindle thế hệ mới nhất có giao diện thân thiện hơn với người dùng, kết nối mạnh mẽ hơn cùng hàng loạt tùy chọn và tính năng được cải tiến (Tham khảo: Sáu điều đáng yêu về Kindle mới). Phiên bản mới nhất, Kindle 3, hỗ trợ các định dạng: TXT, AZW, PDF, HTML, PRC. Tính năng đặc biệt: Amazon cung cấp dịch vụ chuyển đổi miễn phí các trang HTML sang file Word và các định dạng được hỗ trợ trên Kindle. Giá trên Amazon: 139 USD (~2,9 triệu đồng) cho mẫu Wi-Fi, 189 USD (~4 triệu đồng) cho mẫu Wi-Fi và 3G (Lưu ý là Kindle chỉ dùng sóng 3G của nhà mạng AT&T và do khác tần số nên hiện tại không có cách nào dùng tính năng này ở Việt Nam).
Barnes & Noble Nook
Barnes and Noble Nook.
Dù giao diện Android nhận được nhiều lời khen chê khác nhau, song với một màn hình cảm ứng màu, cửa hàng sách điện tử quy mô lớn, thiết bị này cũng tạo được ưu thế cạnh tranh không nhỏ so với các đối thủ khác. Kho sách trực tuyến: Nookbook Store. Phiên bản mới nhất: Nook Color. Định dạng hỗ trợ: PDB, ePUB, PDF. Tính năng đặc biệt: kết nối với ko sách B&N. Giá bán: 249 USD (~5,21 triệu đồng).
Sony Reader
Sony Reader.
Không phải mọi lời nhận xét về các mẫu e-reader của Sony đều tích cực, nhưng những thiết bị này vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng người dùng với sự tin tưởng tương đối. Khung máy kim loại vững chãi cùng màn hình E-ink sáng rõ, có khả năng hiển thị tốt khi sử dụng ở ngoài trời là những điểm đáng khen ngợi ở một số model mới. Cửa hàng sách trực tuyến: Sony Reader Store. Phiên bản nổi bật: Sony Reader: Daily Edition. Định dạng hỗ trợ: TXT, PDF, ePUB. BbeB Book, RTF, DOC. Tính năng đặc biệt: Cho phép người dùng mượn sách để xem trước khi mua. Giá bán: 260 USD (5,46 triệu đồng). Điểm đáng tiếc là Sony Reader không hỗ trợ Unicode, nên để đọc được tiếng Việt thì bạn phải chèn font vào sách. Một số người dùng Việt Nam đã hack máy để đưa bộ font Unicode vào.
Apple iPad
iPad.
Tất nhiên, iPad không phải là một thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng, nhưng thực tế là nhiều người dùng thích đọc sách điện tử trên iPad. Trải nghiệm tuyệt vời trên màn hình cảm ứng đa chạm của iPad mang đến cho người dùng những phút giây đọc sách thực sự thú vị. Cửa hàng sách trực tuyến: iBooks. Phiên bản nổi bật: iPad 2, 3G (32GB). Định dạng hỗ trợ: ePUB, PDF. Giá bán: 729 USD (~15,21 triệu đồng).
Theo PCWorld