Danh sách các quốc gia tạo ra lượng thư rác nhiều nhất thế giới được Sophos tổng hợp theo từng quý. Dù danh sách đó không có thay đổi nhiều, nhưng thực chất nội dung và hình thức spam đang ngày một nguy hiểm hơn.
Sophos cho biết "Những hình thức spam truyền thống như quảng cáo y dược vẫn là mối lo ngại lớn, bởi có tới 36 triệu người Mỹ đã mua thuốc chữa bệnh và cả thuốc gây nghiện từ những người bán hàng trực tuyến - nhưng xuất hiện càng ngày càng nhiều các thư rác được tạo ra chỉ với mục đích phát tán virus và đánh cắp thông tin cá nhân".
Sophos cũng ghi nhận rằng hình thức spam hiện nay chủ yếu tập trung vào việc lừa đảo. Lượng thư rác và phần mềm độc hại được lan tràn qua các mạng xã hội như Facebook cũng ngày một tăng cao.
Theo chuyên viên tư vấn công nghệ cao cấp của Sophos, Graham Cluley thì "spam lúc nào cũng có, nhưng mục đích và phương pháp thì thay đổi từng ngày để đem lại lợi ích cao nhất cho những kẻ chuyên spam". Những thư rác quảng cáo giờ đã là "lạc hậu", người ta đã dần quen thuộc với kiểu thư rác chứa đường link dẫn đến những trang web nhiễm độc, nhằm tấn công khai thác máy tính của người sử dụng hoặc cài vào đó các phần mềm chống virus giả mạo.
Từ quý III đến quý IV, 3 vị trí đứng đầu dành cho 3 quốc gia spam khoẻ nhất không hề thay đổi. Nước Mỹ phải chịu trách nhiệm cho gần một phần năm lượng thư rác ngập ngụa trên Internet, chiếm 18,83% trên toàn thế giới. Ấn Độ tuy đứng thứ hai nhưng "trình độ" spam kém hơn hẳn, chỉ có 6,88%, Brazil đứng thứ ba với 5,04%.
Ngoài ba vị trí đứng đầu nói trên, chỉ có Anh quốc ở vị trí thứ 5 với 4,54% lượng thư rác, Romania ở vị trí thứ 11 với 2,3% và Tây Ban Nha thứ 12 với 2,24% là duy trì "thứ hạng" từ quý trước.
Cả Nga và Ý đều thăng cấp trong bảng xếp hạng không lấy gì làm vẻ vang này: Nga tiến từ vị trí thứ 7 quý trước lên vị trí thứ 4 (4,64%) và Ý từ vị trí thứ 10 lên thứ 7 (3,17%).
Trong khi đó Pháp, Đức, Hàn Quốc và Việt Nam đều may mắn "tụt hạng" trong bảng này: Pháp (3,45%) từ vị trí thứ 4 xuống thứ 6, Đức (2,99%) từ thứ 6 xuống thứ 9, Hàn Quốc từ vị trí thứ 7 xuống thứ 8 và Việt Nam (2,79%) tụt một bậc từ thứ 9 xuống thứ 10.
(Theo PCW)