Tỷ trọng còn “khiêm tốn”
Những nguồn NLTT có thể khai thác và sử dụng trên thực tế hiện nay gồm: Thủy điện nhỏ, năng lượng gió, điện sinh khối, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, mặt trời và địa nhiệt.
Hiện tại, sử dụng NLTT ở Việt Nam chủ yếu là năng lượng sinh khối ở dạng thô phục vụ sinh hoạt gia đình. Năm 2010, mức tiêu thụ đạt khoảng 13 triệu tấn dầu quy đổi. Ngoài ra, năng lượng sinh khối cũng được sử dụng làm nhiên liệu tại nhiều cơ sở, ngành nghề thủ công khu vực nông thôn như nung gạch, ngói, sành sứ, chế biến nông sản – thực phẩm... Phế thải nông nghiệp, đặc biệt là bã mía, đang được sử dụng trong ngành Mía đường với công nghệ đồng phát năng lượng (cả nhiệt và điện).
Ở vùng sâu vùng xa, thủy điện nhỏ - loại cực nhỏ quy mô gia đình cũng như các dự án thủy điện cấp cộng đồng đã cung cấp một lượng điện nhất định cho người dân địa phương. Năng lượng khí sinh học với công nghệ cao cơ bản đã “chín muồi” và đang dần hình thành một thị trường ở nông thôn. Các dạng NLTT khác như điện gió, mặt trời, địa nhiệt, điện trấu… cũng từng bước định hình được thị trường để phát triển và mở rộng.
Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới, kết quả trên còn quá nhỏ bé và chưa phát huy được tiềm năng sẵn có. Vì vậy, việc nghiên cứu khai thác nguồn NLTT trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Lộ trình phát triển NLTT đã được đặt ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030. Theo đó, ưu tiên phát triển NLTT cho sản xuất điện chiếm 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030. Như vậy, tỷ lệ điện năng sử dụng NLTT sẽ từng bước “xác lập” vị trí trong tổng nguồn điện quốc gia, đến năm 2030 cần khoảng 13.000 MW (hiện tại Việt Nam mới có khoảng gần 1.000 MW, chủ yếu là thủy điện nhỏ).
Còn nhiều rào cản…
Mặc dù Chính phủ đã ban hành chính sách ưu tiên phát triển NLTT, trong đó có miễn thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và mua điện gió với giá cao. Tuy nhiên, việc phát triển NLTT ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm NLTT và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, NLTT thường có quy mô nhỏ, với những dự án chỉ vài chục MW. Kèm theo đó là giá nhiên liệu đầu vào, điều kiện thời tiết, khí hậu, ánh sáng mặt trời, hoặc các nguồn nguyên liệu khác cho điện sinh khối như chăn nuôi, thu hoạch rơm rạ, bã mía. Thời gian vận hành không nhiều, sản lượng thấp nên giá nguồn điện sử dụng từ NLTT hiện nay còn khá cao”.
Quyết định số 37/2011/QD-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió là khung pháp lý đầu tiên hỗ trợ về giá cho NLTT. Song, theo ông Nguyễn Đức Cường, mức giá quy định 7,8 cent/kWh vẫn được xem là khá thấp mặc dù đã được trợ giá từ Nhà nước và EVN. Trong khi đó, cơ chế giá điện mặt trời, địa nhiệt, biogas chưa được xây dựng.
Đại diện Hiệp hội Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam, bà Angelika Wasielke cũng cho biết thêm: “Phát triển NLTT thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, những nhà đầu tư vào NLTT hiện nay lại bị hạn chế tiếp cận với các ngân hàng trong nước, dẫn đến thiếu vốn cho các dự án NLTT với quy mô lớn”.
Cũng theo bà Angelika Wasielke, NLTT là một ngành mới ở Việt Nam, nhưng những thông tin quan trọng về tiềm năng gió, atlas mặt trời… lại thiếu một cách trầm trọng. Quy hoạch các dự án NLTT là một phần của quy hoạch năng lượng quốc gia nhưng vẫn chưa có quy hoạch điện gió và điện mặt trời ở mức quốc gia và cấp địa phương.
Việc đào tạo nghề và biên soạn giáo trình về phát triển NLTT ở các trường đại học mới ở giai đoạn sơ khai. Điều này dẫn đến thiếu các chuyên gia và các kỹ sư trong nước và bị phụ thuộc nhiều vào các chuyên gia nước ngoài.
Vì vậy, “Việc làm cần thiết lúc này là tăng cường tuyên truyền nhận thức về những ưu điểm của NLTT đối với an ninh năng lượng môi trường, năng lượng gắn với biến đổi khí hậu. Từng bước “gỡ bỏ” các rào cản, tạo cơ chế hoàn chỉnh để thực hiện được mục tiêu về phát triển NLTT”, bà Angelika Wasielke khẳng định.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương: “Thực hiện được những mục tiêu trong Quy hoạch điện VII là những thách thức lớn lao. Chúng ta không chỉ trông chờ vào Nhà nước mà rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý các cấp, các doanh nghiệp, sự trợ giúp từ các tổ chức nước ngoài và hơn hết là ý thức và sự đồng thuận của mọi người dân”.
Theo EVN