3CElectricTin tứcTin tức liên quanSắp điều chỉnh giá điện theo thị trường

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, do những đặc điểm phát triển của nền kinh tế của giai đoạn vừa qua nên Nhà nước phải bao cấp giá điện. Nhưng đến thời điểm này, việc bao cấp không thể tiếp tục và không còn là chính sách đúng, thậm chí nếu tiếp tục sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Giá bán điện sẽ được điều chỉnh khi đầu vào biến động và thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.
 
Giá điện  bình quân tại Việt Nam hiện nay là 5,2 cent (tính theo USD), chỉ bằng một nửa so với giá điện của các nước trong khu vực. Sản xuất ra 1Khw điện trung bình từ 7 đến 12 cent, như vậy giá bán thấp hơn so với giá sản xuất tới vài cent. Ngành điện không thể  bù đắp nổi chi phí. Tập đoàn điện lực VN năm 2010 đang nợ tới 8.500 tỷ đồng.
 
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế VN cho rằng: “Khi giá điện thấp, chúng ta tạo ra một tín hiệu mời gọi các nhà đầu tư tiêu thụ điện năng lớn tới VN, tất nhiên giá điện thấp là tốt, nhưng hậu quả rất nghiêm trọng bởi vì tranh chấp nguồn năng lượng, các nhà đầu tư lưới điện họ không đầu tư. Đấy là hậu quả rất nghiêm trọng”.
 
Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là một bước đi cần thiết để tiến tới một thị trường điện cạnh tranh lành mạnh. Từ ngày 1/6/2011, giá điện sẽ được điều chỉnh tối đa 4 lần/năm, thời gian điều chỉnh giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. Việc điều chỉnh giá điện căn cứ trên cơ sở chi phí đầu vào. Trong trường hợp chi phí đầu vào giảm từ 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải điều chỉnh giá bán điện giảm tương ứng. Trường hợp chi phí tăng trên 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải lập phương án trình Bộ Tài chính thẩm định, Bộ Công thương tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
 
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương: “Quyết định 24 ghi rõ, việc thực hiện phải rất công khai và minh bạch. Bộ Công thương sẽ thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện giá điện này. Mặt khác, hàng năm EVN phải có báo cáo kiểm toán về chi phí để Bộ Công thương rà soát đảm bảo những chi phí đó là công khai minh bạch. Mọi thông tin đó sẽ được công bố rộng rãi".  
 
Tuy nhiên  nếu giá điện được điều chỉnh có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, thì Chính phủ sẽ có các giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho những tầng lớp dân cư có thu nhập thấp. Còn đối với lĩnh vực sản xuất không bù chéo giữa các lĩnh vực, mục đích là làm sao để các doanh nghiệp có cách thức giảm tiêu thụ điện năng.
 
TS Nguyễn Đức Thành, GĐ Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, trường Đại học Kinh tế, Quốc Gia HN: “Việc thị trường hóa không làm giảm giá thành hay nói cách khác không làm giá điện bán cho người dân thấp hơn. Thứ hai, việc thị trường hóa ở khâu sản xuất ban đầu chúng ta kỳ vọng thị trường cung sẽ nhiều hơn cầu. Đấy mới thực sự là lợi ích chính của nền kinh tế. Còn như hiện nay giá ở mức thấp mà nguồn cung hạn chế, không cung cấp liên tục thì ảnh hưởng lớn, thực ra đều tính vào giá, coi như giá rất cao”.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta đã bao cấp giá điện quá lâu. Tuy nhiên, để tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh còn phải đi một quãng đường rất dài. Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 11 năm nữa chúng ta sẽ thực hiện Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.



Theo : vtv.vn