3CElectricTin tứcTin tức liên quanSẽ có pin mặt trời made in Việt Nam

 

Kỹ sư trưởng dự án - ông Từ Trung Chấn đã trao đổi với PV về vấn đề này.

pin-mat-troi-viet-nam
KST Từ Trung Chấn (người đứng giữa) đang trao đổi với các chuyên gia



PV: Là kỹ sư trưởng của dự án Pin mặt trời trên tấm nền silic do PAIC thực hiện, ông có thể nói gì về tương lai dự án này…

KST Từ Trung Chấn: Qua tính toán sơ khởi của nhóm nghiên cứu, giá pin mặt trời màng mỏng tại Việt Nam nếu sản xuất đại trà thì chỉ bằng 30 đến 50% giá thế giới hiện nay. Việt Nam có nguồn cát trắng là một nguồn nguyên liệu dồi dào, nếu nhà nước đầu tư hiệu quả để sản xuất phục vụ cho toàn bộ nền công nghệ sạch thì chúng ta sẽ không phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài nữa, như thế giá của pin mặt trời sản xuất tại Việt Nam sẽ còn giảm, cạnh tranh tốt hơn, giá trị gia tăng cũng sẽ rất cao.

PV: Nghe nói dự án này ngay từ đầu có một số ý kiến cho rằng không khả thi, điều gì khiến ông quyết tâm đeo đuổi nó, và đến thời điểm này, sau khi đã nghiệm thu cấp độ 1, ông có thể tiết lộ đôi chút về lộ trình sắp tới của dự án?

KST Từ Trung Chấn: Lúc ban đầu, nhiều người còn cho là ngược lại với nghiên cứu thế giới vì không theo công nghệ truyền thống, thói quen đang sử dụng. Thật ra, thì đối với tôi nó không có gì cao siêu cả, thế giới đã làm rồi, đã được chứng minh, chỉ cải tiến từ áp suất thấp thành áp suất cao, tốc độ phản ứng nhanh hơn, giá thành rẻ hơn, ít tốn máy móc hơn, chỉ thế thôi. Đây cũng là cơ sở để tôi theo đuổi. Làm dự án này tôi có cái lợi là trên nền tảng thành quả thế giới đã được khẳng định, điều đó giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu cho nhóm. Lộ trình sắp tới của dự án có mấy bước. Một là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án, đó là làm một tấm kính tráng một lớp TCO (lớp dẫn điện trong suốt). Đồng thời, do nhu cầu đang thiếu điện nên cũng cần phải gấp rút xây dựng nhà máy sản xuất pin mặt trời. Sau đó, cũng cần có bước chiến lược để nghiên cứu phát triển lâu dài ở Việt Nam. Từ nhà máy pin mặt trời sẽ ráp thành những cánh đồng pin mặt trời.

PV: Đây là lĩnh vực mới mẻ, không chỉ ở Việt Nam, các kỹ sư tham gia dự án cũng đều còn rất trẻ và phần lớn không có chuyên môn sâu về lĩnh vực này, ông tháo gỡ những khó khăn đó như thế nào?

KST Từ Trung Chấn: Kỹ sư của chúng ta được đào tạo tương đối bài bản, cái họ thiếu chính là kinh nghiệm thực tiễn. Chúng tôi đã làm việc trong điều kiện không có nhiều sự lựa chọn, phải tự mày mò tìm ra giải pháp, và dần dần phát triển. Sau hai năm theo đuổi dự án pin mặt trời màng mỏng, tôi đã rút ra kinh nghiệm quý báu là vấn đề mình có cơ hội hay không, có dám tin và dám giao cho các kỹ sư trẻ làm hay không? Nếu mình cứ xem họ như đứa trẻ mới tập đi, lúc nào cũng sợ té không dám thả ra thì họ sẽ chậm biết đi. Mình phải chấp nhận thử thách giao việc rồi từng bước giải quyết. Ví dụ, có máy bơm bị hư, không lẽ lại ra nước ngoài mua, không lẽ mời chuyên gia nước ngoài về sửa? Bắt buộc phải tìm cách khắc phục. Cái khó ló cái khôn, không có nhiều tiền, tự phải tìm cách giải quyết.

PV: Giá trị của năng lượng sạch nói chung, năng lượng từ mặt trời nói riêng thì ai cũng biết, nhưng cũng có ý kiến quan ngại về sự ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết đến độ bền của pin…

KST Từ Trung Chấn: Như tôi đã nói, tấm pin mặt trời làm bằng vật liệu silic này đã có nhiều năm nay rồi, đã được chứng minh hiệu quả, đã có thị trường hai ba chục năm nay. Giờ tôi chỉ làm ở áp suất cao thôi. Bằng kết quả đo được, thì thấy đặc tính màng làm ở áp suất cao không thua gì áp suất thấp, nên tôi tin tưởng độ bền của nó cũng sẽ bằng hoặc hơn màng làm ở áp suất thấp. Môi trường ở Việt Nam vừa nóng vừa ẩm, nghiên cứu gần đây cho thấy màng silic rất thích hợp và phát điện nhiều hơn những tấm màng truyền thống làm bằng tinh thể silic. Không có gì thay đổi mãnh liệt cả, chỉ là nâng áp suất lên. Nó không có thay đổi đột biến màng vật liệu, chỉ tăng tốc độ tạo màng lên giảm tiêu hao nguyên vật liệu, giảm chi phí thiết bị thay vì đắt tiền thì làm tốn ít tiền hơn. Chỉ vậy thôi.

Hy vọng trong tương lai sản phẩm của tôi sẽ được xã hội tiếp thu sử dụng. Ước mơ lớn nhất của tôi là làm ra cái gì đó có ích, nhiều người sử dụng. Tôi mơ rằng một ngày nào đó, tấm pin mặt trời màng mỏng sẽ phổ biến khắp thế giới!

PV: Tuy nhiên, người Việt mình không dễ thay đổi những thói quen đã cố hữu trong đời sống, ông đã và sẽ nói gì về năng lượng sạch để thuyết phục người dân sử dụng, cũng như các nhà đầu tư đổ tiền vào triển khai các dự án của mình?

KST Từ Trung Chấn: Đúng là người dân mình ít nhiều còn ngại tiếp cận, sử dụng công nghệ mới. Ví dụ như đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nước vào mùa mưa, khó triển khai điện về cho người dân, dân lại không sống tập trung ở các làng xã lớn nên điện về các vùng nông thôn nhỏ và ngập nước rất khó khăn và không hiệu quả. Cách tốt nhất là lấy năng lượng tại chỗ để sử dụng. Để làm được, nhà nước cần phải có quy chế, hỗ trợ đưa điện sạch về vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo… Theo tôi, nhà nước phải đi đầu hỗ trợ chứ không thể chờ dân tự làm. Mặt khác, chúng ta cũng cần có một cơ chế, chính sách về điện sạch để có thể vay vốn từ nguồn kinh phí hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường và năng lượng của các tổ chức trên thế giới. Khi triển khai rồi, người dân sử dụng rồi, dần dần sẽ hiểu hiệu quả của nó, nhất định các nhà đầu tư sẽ vào.

Tóm lại, trước tiên, nhà nước phải có chính sách để mở đường cho lĩnh vực này. Chính sách đó phải tạo điều kiện để có thể vay được các quỹ tài chính cho vấn đề môi trường trên thế giới. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ đồng hồ hai chiều để người dân thành thị gắn pin mặt trời lên mái nhà, cần có cơ chế rõ ràng bán điện và mua điện như các nước phát triển đã làm. Theo tôi biết, Đức là nước tiên phong sẵn sàng trả gấp hai gấp ba lần giá tiền điện nhà nước bán cho dân. Nếu mình cũng làm được thế thì mình có thể vay được vốn của nước ngoài, và tôi nghĩ, nước mình ánh nắng mặt trời nhiều, chắc chắn sẽ có nhiều người hứng thú đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện tại, nước mình chưa có sản phẩm chủ lực nào mang tính khoa học công nghệ cao. GDP cả nước năm 2011 chỉ có 104,6 tỉ USD, trong khi những nước xung quanh như Đài Loan chỉ có 26 triệu dân, tài nguyên chẳng có nhiều mà GDP 919.027 tỉ USD. Hàn Quốc cũng chiến tranh cũng chia đôi, tài nguyên cũng không đáng kể mà nhờ công nghiệp hóa đã trở thành con rồng, doanh thu 1.164 tỉ.

Đó là lý do vì sao mình cần làm chủ công nghệ. Nhà nước cần có chính sách để đẩy cao hàm lượng công nghệ. Cần có quỹ đầu tư chiến lược lâu dài. Như Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân đã nói: Một là, Ngân sách cho khoa học công nghệ chỉ có 2% thì làm sao đủ? Các doanh nghiệp và tập đoàn nên dành 10% trước thuế cho nghiên cứu và phát triên công nghệ. Cá nhân tôi, tôi đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa chính sách về năng lượng sạch trở thành chiến lược hàng đầu. Hai là, phải có quỹ phân bổ, phát triển khoa học công nghệ để đẩy mạnh chương trình này. Ba là, Tập đoàn cần có cơ chế thoáng như nghị định 115 thu hút các chuyên gia không chỉ trong nước để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Đối với Bộ KHCN, phải đưa chiến lược về năng lượng sạch và sản phẩm pin mặt trời màng mỏng trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia. Sau đó, có những cơ chế chính sách để phát triển nguồn năng lượng sạch. Bộ Công thương cũng cần có cơ chế chính sách để làm sao có giá điện ưu đãi cho pin mặt trời, có cơ chế chính sách để đồng hồ điện chạy hai chiều (tiêu thụ và nạp điện nối lưới nhà nước thu và trả tiền) như các nước phát triển đã làm.

PV: Xin cám ơn ông!

(Theo: Petrotimes)